Nhân dịp này, báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng bài viết của Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại điện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Có thể nói, mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đang ở thời kỳ rực rỡ nhất từ trước tới nay. Trên phương diện chính trị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là đất nước tới thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình vào tháng 1 năm ngoái. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản, hướng tới phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia vào tháng 12/2013.
Ở lĩnh vực kinh tế, đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang tăng lên với 416 dự án đầu tư trong năm 2013, tổng vốn đầu tư lên tới 5,7 tỷ USD (bao gồm cả những dự án mới, cũng như phần tăng vốn từ những dự án đang triển khai), đánh dấu năm thứ hai liên tiếp, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Nguyên nhân DN Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là quốc gia để đầu tư là: Giá nhân công tương đối rẻ; Độ tuổi trung bình là khoảng 30, có thị trường rộng lớn; Có khả năng mở rộng thị trường trong khu vực Đông Nam Á do kết nối kinh tế trong khu vực; Ổn định về chính trị và xã hội; Người Việt Nam cần cù chăm chỉ, việc tìm kiếm lao động tương đối dễ dàng; Người Việt Nam và người Nhật Bản dễ hiểu nhau… Ngoài ra, nhiều DN đầu tư vào Việt Nam như một thị trường thay thế cho Trung Quốc hay Thái Lan, do lo lắng về những rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc hay giá thành cao tại Thái Lan. Theo kết quả điều tra về tình hình hoạt động thực tế của DN Nhật Bản do JETRO thực hiện vào tháng 10 và tháng 11/2013, có tới hơn 70% DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam cho biết, muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 hay 2 năm tới, với lý do chi phí nhân công của Việt Nam rẻ hơn một nửa so với Trung Quốc hay Thái Lan.
Để mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn, việc áp dụng một cách hiệu quả những kinh nghiệm cho tới nay của Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế Việt Nam là vấn đề quan trọng. Tôi cho rằng, hướng tới sự phát triển bền vững, Việt Nam cần tham khảo “Tính tiên tiến”, “Sự tinh tế” nằm sau kinh nghiệm của Nhật Bản, và Nhật Bản cần học hỏi “Tính tăng trưởng”, “Sự chất phác” trong năng lực phát triển tiềm tàng của Việt Nam.
Từ khi nhận công tác tại Hà Nội, tôi đã nhận ra những kỳ vọng to lớn của Việt Nam dành cho Nhật Bản. Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tôi hy vọng rằng, cùng với sự thấu hiểu lẫn nhau hơn nữa giữa Việt Nam – Nhật Bản, đây sẽ là cơ hội để Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam và tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho những hoạt động hướng tới Việt Nam trong tương lai.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Lắp ráp điện tử tại Công ty Panasonic, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Quỳnh Anh
|