Ngày 15/9, trả lời câu hỏi của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương về việc đề nghị Nhà nước tạo điều kiện cho những trường hợp mất hồ sơ gốc được hoàn thiện để hưởng chính sách theo quy định, Bộ LĐTB&XH phản hồi: Bộ đã chủ động với các địa phương rà soát hồ sơ tồn đọng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thắp hương trên phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. |
Năm 2016, Bộ đột phá bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai trong toàn quốc.
Và, trong gần 6 tháng xác định được 86 trường hợp người có công, trong đó có 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Theo đó, Bộ đặt ra mục tiêu trong năm 2017 giải quyết căn bản khoảng 5.900 hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã lưu trữ tại sở LĐTB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, TP trở lên.
Vừa qua, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã có 498 liệt sĩ thuộc đối tượng trên được xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công. Tuy nhiên, giải quyết hồ sơ tồn đọng phức tạp vì nhân chứng hầu như không còn, không có giấy tờ, căn cứ chứng minh. Do vậy, các bước tiến hành cần thận trong, chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao sự giám sát của nhân dân và cơ quan báo chí.
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công. Các địa phương, ngành công an, quân đội đã xác nhận được trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Bộ LĐTB&XH cho biết: Trên cơ sở kết quả thực hiện giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ sẽ từng bước nghiên cứu, mở rộng việc xác nhận hồ sơ tồn đọng với các đối tượng khác.