Đánh giá về hiện trạng vận tải hành khách công cộng kết nối giữa các tuyến xe buýt từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài, theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Transerco, 2 tuyến buýt hiện nay (xe buýt tuyến số 07 và 17) mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của hành khách và chủ yếu phục vụ nhóm đối tượng sinh sống và làm việc tại sân bay.
“Nhóm đối tượng hành khách có nhu cầu đi máy bay số lượng sử dụng xe buýt rất thấp do các tuyến trợ giá và không chuyên chở hành lý, hàng hóa và thường xuyên dừng đón trả khách kéo dài thời gian đi lại trên tuyến, vị trí tiếp cận xa nhà ga. Trong khi đó, xe hợp đồng hoạt động lộ trình cố định không có dừng, đỗ đón trả khách tùy tiện, gây mất an toàn giao thông... Như vậy, việc tổ chức thêm một tuyến xe buýt với chất lượng cao, có lộ trình, điểm đón/trả khách cố định, sàn xe thông thoáng, khoảng cách các ghế rộng rãi phù hợp với đặc trưng hành khách có hàng hóa, valy đi sân bay và ngược lại,” ông Trung phân tích thêm.
Khẳng định mục tiêu đây là tuyến buýt không trợ giá với dịch vụ cao cấp, kết nối thuận tiện từ nhà ga T1, T2 của sân bay Nội Bài tới khu vực trung tâm thành phố và ngược lại, lãnh đạo Transerco cũng chỉ ra một loạt các điểm nổi bật như đảm bảo thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối hợp lý với khoảng cách 30,5km; hành khách dễ chấp nhận (không lâu hơn nhiều so với các loại hình khác đang vận hành); hạn chế đi qua các tuyến đường có mật độ phương tiện cao. Phương tiện có thiết kế vị trí để hành lý cho hành khách đi sân bay. Các điểm dừng trên tuyến được lắp đặt nhà chờ, có bảng Led thông tin giờ xe đến điểm cho hành khách.
“Tuyết buýt chất lượng cao có tên tuyến là ‘Ga Hà Nội-Bờ Hồ-sân bay Nội Bài’ chỉ có 8 điếm dừng đỗ với điểm đầu là Ga Hà Nội và điểm cuối là sân bay Nội Bài (nhà ga T1; T2). Ngoại trừ điểm đầu cuối, các điểm dừng, đỗ đón trả khách trùng với điểm dừng xe buýt thông thường,” ông Trung nói.
Do đặc thù khách đi sân bay có thể mang hành lý nên dự kiến thời gian dừng đón khách tại các điểm dừng trên tuyến khoảng 1-2 phút nhiều hơn so với các tuyến buýt thông thường (chỉ khoảng 30 giây).
Phương tiện buýt chất lượng cao Ga Hà Nội-sân bay Nội Bài là xe mới với thiết kế hiện đại, sàn bán thấp thuận lợi cho việc lên xuống của hành khách, sức chứa 60-80 khách; xe được sơn màu với thiết kê nối bật có sự khác biệt với các xe buýt trợ giá hiện nay; các ghế cách nhau một khoảng rộng đủ đáp ứng nhu cầu mang theo hành lý của khách đi sân bay; trên xe có ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người già, trẻ em và người tàn tật; có lắp wifi miễn phí cho hành khách đi xe…
Ngoài ra, dựa trên lịch hạ cánh các chuyến bay trong ngày của nhà ga T1 và T2 cùng với nhu cầu phát sinh của hành khách đi vào trung tâm thành phố, Tổng công ty xây dựng hai loại tần suất vận hành chuyến buýt gồm tần suất 30 phút trong các cung giờ nhu cầu bình thường (có dưới 10 chuyến bay hạ cánh/giờ trong các khung giờ 8 giờ 30 phút-11 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút-17 giờ 30 phút) và tần suất từ 20-25 phút trong các cung giờ có nhu cầu cao (có trên 10 chuyến bay hạ cánh/giờ trong các khung giờ 11 giờ 30 phút-16 giờ 30 phút và 11 giờ 30 phút-23 giờ 30 phút).
Thời gian mở bến tại Ga Hà Nội là 5 giờ 10 phút, đóng bên vào 22 giờ 30 phút. Tại sân bay Nội Bài mở bến lúc 6 giờ 30 phút và đóng bến vào 23 giờ 30 phút. Thời gian chạy xe trên tuyến khoảng 50-55 phút/lượt; xe dự kiến chạy từ 80-94 lượt/ngày.
Đề cập đến giá vé của tuyến buýt chất lượng cao Ga Hà Nội-sân bay Nội Bài, ông Trung tiết lộ, giá vé dự kiến là 30.000 đồng/lượt.
Để công tác chuẩn bị và khai trương mở tuyến kịp tiến độ yêu cầu, Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiến nghị bố trí một vị trí tập kết đầu, cuối và vị trí đón trả khách tại các nhà ga T1 và T2; pano, kiot điều hành bán vé và điểm đón trả khách cho tuyến buýt chất lượng cao Ga Hà Nội-sân bay Nội Bài.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải thì hành khách đi xe buýt không được mang hành lý quá 10kg hoặc kích thước lớn hơn 30x40x60cm, tuy nhiên, theo ông Trung, đây là loại tuyến buýt phục vụ khách sân bay và có thiết kế khoang xe để phù hợp nên Tổng công ty kiến nghị với Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải cho phép tuyến buýt này được chở hành lý mang theo của hành khách sân bay.
Trước đó, Đề án thí điểm xe khách từ trung tâm thành phố Hà Nội tới sân bay Nội Bài được Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm triển khai trong 3 năm (từ 2016- 2018 sẽ kết thúc thí điểm).
Được biết, các doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm 3 tuyến xe chở khách (không trợ giá) từ trung tâm thành phố Hà Nội tới sân bay Nội Bài hiện đang hoàn tất thủ tục, phương án để có thể đưa 3 tuyến xe khách này đi vào hoạt động trong quý 2. Dự kiến, giá vé là 40.000 đồng/lượt.
Tuyến xe buýt chất lượng cao này dự kiến có giá vé 30.000 đồng/lượt/hành khách.
|
Lộ trình tuyến, vị trí các điểm dừng: Chiều đi: Ga Hà Nội-Trần Hưng Đạo-Dã Tượng-Lý Thường Kiệt-Hàng Bài-Bờ Hồ-Trần Nguyên Hãn-Trần Quang Khải-điểm trung chuyển Long Biên-Yên Phụ (đường giữa dành riêng cho xe buýt)-Nghi Tàm-Âu Cơ-cầu Nhật Tân-Võ Nguyên Giáp-nhà ga nội địa T1 (sảnh tầng 2 ga đi)-Võ Nguyên Giáp-nhà ga quốc tế T2 (sảnh tầng 2 ga đi)-vị trí đỗ xe buýt nhà ga sân bay Nội Bài. Chiều về: Vị trí đỗ xe buýt nhà ga sân bay Nội Bài-nhà ga quốc tế T2 (sảnh tầng 1 ga đến)-cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp-Võ Nguyên Giáp-nhà ga nội địa T1 (sảnh tầng 1 ga đến)-Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân-Âu Cơ-Nghi Tàm-Yên Phụ (đường giữa dành riêng cho xe buýt)-điểm trung chuyển Long Biên-Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải-Tràng Tiền-Lê Thánh Tông-Hai Bà Trưng-Ngô Quyền-Lý Thường Kiệt-Lê Duẩn-Ga Hà Nội. |