Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mối lo an toàn thực phẩm trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, tiểu học bán trú, ngành y tế, giáo dục sẽ tăng cường kiểm tra ATTP trường học.

Quản lý quy trình chặt chẽ

Hà Nội hiện có 1.125 trường học có bếp ăn bán trú, trong đó có 955 trường tự tổ chức nấu ăn, 170 đơn vị trường học hợp đồng với DN cung ứng suất ăn sẵn cho HS. Có khoảng 30% HS Hà Nội ăn bán trú tại nhà trường, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành. Riêng khối trường mầm non nằm trong chương trình chăm sóc nuôi dưỡng riêng nên các trường đều có bếp ăn, chế độ dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Hàng quán bán trước cửa trường Phan Đình Phùng.  Ảnh  Thanh Hải
Hàng quán bán trước cửa trường Phan Đình Phùng. Ảnh Thanh Hải
Hiện tại, hình thức phục vụ ăn bán trú và trông bán trú cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày ở Hà Nội phân thành 4 loại hình: Nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, nhà trường tự nấu; hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa sơ chế bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát. Đối với những trường nấu tại trường, phải thiết kế theo quy định một chiều (nhập nguyên liệu, sơ chế, chế biến, chia cơm). Nhân viên phải có bằng về nấu ăn, khám sức khỏe định kỳ, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATTP. Định lượng bữa ăn phải có sự thỏa thuận với cha mẹ HS… Với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như vậy, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, định lượng và ATTP không hề đơn giản.

Chia sẻ về vấn đề đảm bảo ATTP trong trường học, bà Lê Thị Đồng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Văn Quán, Hà Đông) cho biết: “Chúng tôi luôn đặt ATTP lên hàng đầu. Việc thực hiện kiểm tra, rà soát thực phẩm hàng ngày, nhà trường giao cho một đồng chí Hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất, một nhân viên y tế học đường và một kế toán bán trú kiểm tra thực phẩm trước khi được chế biến, kiểm tra định lượng sống, chín… Các quy trình quản lý ăn bán trú được thực hiện chặt chẽ như nguồn gốc thực phẩm, hợp đồng trách nhiệm, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm quy trình trong chế biến”.

Vẫn thường trực mối lo

Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện đảm bảo ATTP trong các trường học bán trú luôn được ngành giáo dục quan tâm sát sao. Ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn. “Qua kiểm tra có thể yên tâm, Hà Nội chưa để xảy ra trường hợp HS bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn. Vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm soát về vấn đề này” - ông Thống nhấn mạnh. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, để thực hiện tốt việc này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và của ban đại diện cha mẹ HS cùng giám sát, kiểm tra thực phẩm.

Nếu như ATTP tại các bếp ăn bán trú được quản lý khá chặt chẽ thì nỗi lo mất ATTP xung quanh khu vực trường học lại luôn thường trực khi nhiều trường vẫn bị các hàng ăn mất vệ sinh bủa vây. Thực tế, cứ vào mỗi dịp đầu năm học mới, các Sở Y tế, GD&ĐT lại có các công văn đề nghị các quận, huyện kiểm soát ATTP quanh trường học. Một số trường đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, dẹp sạch hàng ăn rong quanh trường. Tuy nhiên, tại nhiều trường học, hàng ăn rong quanh trường vẫn là “bài toán” nan giải, là mối lo thường trực của phụ huynh học sinh.