Hoang mang vì thiếu thông tin
Thời gian qua, dư luận xôn xao vì thông tin một gia đình ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) mua táo để thắp hương Tết Âm lịch, đến nay đã qua 9 tháng nhưng quả táo vẫn chưa bị hỏng, chỉ héo và chuyển mã sang màu vàng. Ngoài ra, có người mua trái lê của Trung Quốc để 5 tháng cũng chưa hỏng. Trước đó, hồi cuối tháng 8, qua kiểm tra tại một siêu thị trên đường Phạm Ngọc Thạch, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện một lô hàng ghi "táo Fuji, xuất xứ Hàn Quốc" có hóa đơn thương mại từ ngày 17/2/2014, tức là trước đó khoảng 6 tháng! Trong tháng 5, qua kiểm tra kho trái cây Hoa Chương, chợ Long Biên, đoàn kiểm tra cũng phát hiện trong kho lạnh có chứa hơn 20 thùng táo xuất xứ Trung Quốc nhưng chủ hàng báo là "khách hàng gửi để bảo quản lạnh!".
Điều mà người tiêu dùng lo ngại nhất là tình trạng hoa quả Trung Quốc khi đưa về các chợ đầu mối tại Việt Nam được "phù phép" thành hoa quả nhập khẩu từ nước khác bằng cách dán tem giả. Trước thông tin hoa quả để lâu không hỏng, đại diện Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) lý giải, đối với một số nước có công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch phát triển, hoa quả được xử lý tốt nên có thời gian bảo quản lâu. Bên cạnh đó, nhiều hóa chất bảo quản trái cây sau thu hoạch được phép sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện, Việt Nam nhập khẩu khoảng 400.000 tấn trái cây/năm nhưng xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn/năm, tức là gấp khoảng hơn 3 lần. "Rào cản kỹ thuật và các quy định về kiểm dịch thực vật của nước ta cũng tương đương so với các nước trên thế giới" - ông Hồng cho hay.
Tuy nhiên, hiện có khoảng hơn 2.000 hoạt chất BVTV sử dụng trong trồng trọt, bảo quản rau, củ, quả nhưng Việt Nam mới kiểm nghiệm được 600 chất. Bởi vậy, dù khẳng định các nước sử dụng chất bảo quản trái cây giữ được lâu, song đến nay, Cục BVTV vẫn chưa lý giải được hóa chất bảo quản nào có thể giữ được táo, lê thời gian 5 - 9 tháng và liệu có an toàn hay không?
Siết chặt kiểm dịch
Trước những vấn đề trên, tại buổi họp giao ban quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục BVTV phải sớm làm rõ thông tin về lê để 5 tháng, táo để 9 tháng vẫn không hỏng. Từ đó thông tin rõ ràng, minh bạch cho công luận. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Cục BVTV sớm hoàn thiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó tập trung vào lúa, rau, trái cây, chè… để Bộ trình Chính phủ vào tháng 10 tới làm cơ sở triển khai trên diện rộng. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giao Cục BVTV chủ trì xây dựng đề án chuỗi cung ứng rau an toàn, Cục Thú y xây dựng chuỗi cung ứng thịt cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nói về công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP cho sản phẩm rau, trái cây trong thời gian tới, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Cục đang soạn thảo Thông tư quản lý thuốc BVTV và Quy chuẩn, tiêu chuẩn về thuốc BVTV nhằm siết chặt lại công tác quản lý. Đồng thời, tăng cường xử lý thuốc BVTV giả, nhập lậu, thuốc ngoài danh mục. Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2014 của Bộ NN&PTNT, kể từ ngày 1/1/2015, rau, củ, quả tươi sẽ phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Hiện nay, nông sản nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng muốn xuất khẩu vào thị trường các nước "khó tính" như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... phải đáp ứng yêu cầu chất lượng rất khắt khe, như trái cây phải qua kiểm dịch thực vật bằng phương pháp chiếu xạ, xử lý hơi nóng... Không chỉ thế, chúng ta còn phải quy hoạch vùng sản xuất tập trung, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận ATTP. Các chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta cũng làm được tốt khâu kiểm soát nhập khẩu như các nước này, có lẽ người tiêu dùng sẽ không còn phải băn khoăn, lo lắng về chất lượng nông sản như hiện nay.
Người tiêu dùng Hà Nội lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn tại Siêu thị Ocean Mart. Ảnh: Chiến Công
|
Hiện nay, mỗi huyện ngoại thành đều có cán bộ chuyên trách về BVTV nhưng ở các quận nội thành không có cán bộ này. Do đó, việc kiểm soát chất lượng hoa quả trong khu vực nội thành gặp nhiều khó khăn hơn.Ông Nguyễn Mậu HảiPhó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội |