Xét 2 khu vực, XK của khu vực kinh tế trong nước so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vừa thấp hơn về tỷ trọng (28,8% so với 71,2%), vừa thấp hơn về tốc độ tăng (3,3% so với 7,3%). Ngay tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng này cũng chậm so với cùng kỳ năm trước (7,3% so với 13,3%).
Xét ở nguồn hàng, trong 45 nhóm/mặt hàng chủ yếu, có 31 nhóm/mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những nhóm/mặt hàng tăng khá cao (rau quả; hạt điều; cà phê; bánh kẹo; thức ăn gia súc; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; đá quý, kim loại quý và sản phẩm…); 14 nhóm/mặt hàng giảm, trong đó có loại giảm sâu (sắn và sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản khác; clinker và xi măng; than đá; dầu thô; hóa chất; phân bón; chất dẻo nguyên liệu; cao su; sắt thép các loại; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…). Đến nay có 12 nhóm, mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo). Kỳ này giảm 2 thành viên (dầu thô; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện). Xét về thị trường, tăng lớn về kim ngạch có Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Italia, Mexico, Philippines. Giảm lớn có Singapore, Malaysia, Australia, Brazin, Campuchia… Cán cân thương mại trong những tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu hơn 1,63 tỷ USD (ngược với cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 3,43 tỷ USD). Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước giảm xuống (từ 8,27 tỷ USD xuống 7,62 tỷ USD); còn xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên (từ 4,83 tỷ USD lên 9,26 tỷ USD). Việc chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu có 2 mặt trái ngược nhau. Một mặt đó là tin vui về việc chuyển vị thế trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, góp phần cải thiện cán cân thanh toán… Nhưng mặt khác không phải do XK tăng cao lên, mà chủ yếu do nhập khẩu giảm (giảm 1,7%), phản ánh nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng chậm lại.
Minh họa. Nguồn Internet |