Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Trần Ngọc Hà thông tin: Trung bình mỗi năm, toàn quốc xảy ra hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em (TE) với hơn 1.800 đối tượng, xâm hại hơn 1.700 nạn nhân. Trong đó, xâm hại tình dục TE luôn chiếm tỷ lệ cao, chiếm hơn 80%.

6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ với 813 đối tượng xâm hại 790 TE, giảm 85 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xâm hại tình dục TE có 573 vụ, chiếm 79,5% so với số vụ xâm hại TE, với 578 đối tượng, xâm hại 588 em.
Hành vi xâm hại TE mặc dù diễn ra với rất nhiều hình thức nhưng chủ yếu là xâm hại TE gái. Thời gian gần đây đã phát hiện hành vi xâm hại tình dục TE trai, đối tượng thực hiện là người nước ngoài.
Cục trưởng Trần Ngọc Hà cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng công an các cấp đã xác minh, điều tra, xử lý hình sự 538 vụ, 579 đối tượng; xử lý hành chính 55 vụ, 91 đối tượng; hiện đang điều tra 127 vụ, 143 đối tượng.
Qua công tác phòng ngừa, phát hiện điều tra xử lý tội phạm bao lực, xâm hại TE có một số vướng mắc. TE là đối tượng chưa hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần, chưa phân biệt được hoặc không có khả năng tự vệ, chống lại các hành vi xâm hại của đối tượng, do đó bọn tội phạm đã lợi dụng yếu tố này để xâm hại các em.
Tội phạm xâm hại TE thường xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa hoặc những nơi vắng vẻ nên ít bị phát hiện, ngăn chặn.
Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người gần gũi, có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý giáo dục TE, là người thân trong gia đình, hàng xóm có điều kiện tiếp xúc các em. Nhiều vụ, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cơ hội nhất thời, chưa có tiền án, tiền sự và có thân nhân tốt hoặc bị bệnh lý nên thường không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ để kịp thời phòng ngừa, phát hiện.
Không chỉ thế, công tác xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu cũng gặp những khó khăn. Bởi đây là vụ việc có tính nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường không tố giác tội phạm.
Việc trình báo tố cáo hành vi xâm hại tình dục TE thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Một số vụ xâm hại tình dục TE thời gian xác minh, điều tra kéo dài hoặc phải đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra là do vụ việc phát hiện chậm. Nhiều vụ việc thời gian xảy ra quá lâu, chứng cứ bị hủy hoại nên cơ quan điều tra không thể khắc phục được đã ảnh hưởng đến kết quả điều tra, không xử lý được đối tượng phạm tội.
Hầu hết các vụ án bạo lực, xâm hại TE không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân còn nhỏ tuổi, năng lực phân biệt còn hạn chế, tâm lý dễ bị hoảng loạn về tinh thần nên khai báo không đầy đủ, thiếu chính xác.