Sáng 9/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất”.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong vòng 19 năm, từ năm 2008 - 2017, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 15 - 20 trận lũ quét, sạt lở đất khiến tổng số 910 người chết và mất tích; bình quân gần 51 người chết và mất tích mỗi năm. Tính riêng nửa đầu năm 2018, đã xảy ra một trận lũ quét và sạt lở đất hồi cuối tháng 6 khiến 33 người chết và mất tích (chủ yếu tại Lai Châu, Hà Giang). Thiệt hại về tài sản ước tính 535 tỷ đồng.
Nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất được Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Đặng Thanh Mai chỉ ra có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi nước ta đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…
Kết quả điều tra, đánh giá được thực hiện mới đây của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng chỉ ra, cả nước hiện có tới 1.700 xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại 4 khu vực: Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, 500 xã có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.Tại Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, đã có khoảng 60 dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất. Nhiều đề tài đã cho thấy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc giảm nhẹ rủi ro do loại hình thiên tai trên gây ra vẫn còn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Nguyên nhân được xác định là do trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực trên của nước ta còn nhiều hạn chế khiến việc cảnh báo sớm có độ chính xác chưa cao.
Để giảm nhẹ ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiến nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-Cp ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, cần xác định những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình. Tổ chức thông tin, dự báo, cảnh báo kịp thời để người dân vùng chịu ảnh hưởng biết, có biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với thiên tai, nhất là trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…