Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường kinh doanh lại "giảm điểm"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Môi trường kinh doanh và đầu tư Việt Nam đang "giảm điểm" trong "mắt" các DN châu Âu, đâu là lý do của sự sụt giảm lòng tin này?

Tại cuộc họp báo công bố Sách trắng 2012 - Các vấn đề thương mại và đầu tư của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam (1/12), ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho rằng, những chậm trễ trong việc giải quyết nhiều kiến nghị của năm trước kết hợp với một số vấn đề mới đã làm nản lòng nhiều DN châu Âu. Tỷ lệ lạm phát cao kèm theo những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt các khó khăn liên quan đến tiếp cận thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, điều này đã tác động đến cảm nhận của các DN về môi trường kinh doanh Việt Nam.
 

Theo phản ánh của EuroCham, các DN thành viên vẫn còn phải mất khá nhiều thời gian trong việc xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, nhiều DN phải chờ 3 tháng mới có thể hoạt động và triển khai dự án. Ngoài ra, "nút thắt" về cơ sở hạ tầng và năng lượng cũng đang là mối quan ngại của các DN châu Âu. Tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần 160 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả hệ thống giao thông, cầu, các nhà máy điện… 50% vốn đầu tư phải được huy động từ tư nhân. Tuy nhiên, rất nhiều DN nước ngoài vẫn còn do dự đầu tư vào các dự án hạ tầng do lo ngại về hiệu quả của đầu tư, tỷ lệ thu hồi lãi và các đảm bảo về vốn.

Về nguồn cung năng lượng, các DN châu Âu lo ngại việc xây dựng các nhà máy điện mới tại Việt Nam không bắt kịp nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải điều chỉnh giá năng lượng theo các cấp khu vực;  Giảm độc quyền của EVN bằng cách cho phép các DN tư nhân tham gia vào thị trường, xây dựng một thị trường điện có sự cạnh tranh đầy đủ vào năm 2015 thay vì 2024 như dự định của Chính phủ. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2012 của Ngân hàng Thế giới cũng chung quan điểm này khi cho rằng Việt Nam tụt 8 bậc (xếp vị trí 98/183 quốc gia) là do sự chậm chạp trong cải thiện hệ thống điện.

Ngoài những nội dung trên, EuroCham còn cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng ở Việt Nam đang là một trong những nguyên nhân làm hạn chế dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ông Matthias Duhn,  Giám đốc điều hành EuroCham cho rằng, Chính phủ cần cải thiện hơn nữa các chương trình đào tạo nghề và giáo dục, cho phép các DN nước ngoài được tuyển dụng theo các tiêu chí và mong muốn của họ. Bên cạnh đó, việc bảo vệ và xử lý sở hữu trí tuệ vẫn là điều kiện quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào ngành công nghệ, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và duy trì sức cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng trong năm tới, Việt Nam cần quan tâm tới các kiến nghị và hành động ngay để giải quyết các vướng mắc. Đây là khuyến nghị được EuroCham đưa ra.