Vì thế, Dự án cải tạo nhà vệ sinh trường học mà UBND TP Hà Nội đặt ra trong năm học 2016 - 2017, đang được trông đợi từng ngày để giúp trẻ thoát khỏi nỗi ám ảnh này. Nhịn đi vệ sinh Nói về chuyện con sợ đi vệ sinh ở trường, chị Mai Thị Thúy, có con gái năm nay lên lớp 3 ở một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa cho biết, hầu như ngày nào đón con từ trường về, con đều vội vàng quăng cặp, lao vào nhà vệ sinh. “Hỏi con tại sao không đi vệ sinh ở trường, cháu giải thích “Nhà vệ sinh của trường vừa bẩn, vừa không có giấy, có bạn còn đi tiểu, ị không đúng chỗ... Cứ vào là buồn nôn, nên con toàn phải nhịn. Nhiều hôm khát nước con cũng không dám uống, uống sợ phải đi vệ sinh”. Quả thật, có lần đến đón con tôi tranh thủ qua nhà vệ sinh của trường. Nhà vệ sinh quá bẩn, sàn lênh láng nước, nhớp nhúa, bốc mùi hôi, khai nồng nặc... Thế mới hiểu nỗi khổ vì phải nhịn vệ sinh của các con ở trường” – chị Thúy chia sẻ.
Cũng có con gái học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, anh Tiến Lợi bức xúc vì năm nào cũng đóng tiền vệ sinh cho trường thuê người dọn, nhưng vẫn rất bẩn. Theo anh Lợi, việc nhà vệ sinh trở thành một nơi đáng sợ trong mắt trẻ, một phần do các con còn nhỏ chưa ý thức được, nhưng lỗi lớn hơn cả là sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, sau đó là giáo viên. Nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm đôn đốc việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong trường. Bên cạnh đó, nhà trường cần dặn dò, nhắc nhở trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh. Đã thiếu lại xuống cấp Trong khi nhà vệ sinh ở các trường nội thành luôn trong tình trạng bẩn vì quá tải, thì ở các vùng nông thôn, nhà vệ sinh trường học lại quá ít, thậm chí có nơi không có. Trường Tiểu học Việt Long - một trong những trường khó khăn nhất nhì huyện Sóc Sơn, có nhà vệ sinh, nhưng không dùng được. Khu vệ sinh của trường, bên nữ chỉ là 2 bậc ngồi xổm, nhưng gạch cũng đã vỡ, tắc nghẽn, bẩn thỉu. Thoạt nhìn, khu vệ sinh chẳng khác gì nhà bỏ hoang nhiều năm. Khó có thể hình dung hơn 600 HS tiểu học cùng các thầy cô hàng ngày phải “chung sống” với hệ thống vệ sinh tồi tàn như vậy. Cô Nguyễn Thị Vọng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được xây dựng từ những năm 1990, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. “Trường đã nhiều lần đề xuất được cấp kinh phí để cải tạo nhưng chưa được, còn với khoản chi thường xuyên, ngân sách cấp hàng năm không đủ cho việc sửa chữa lớn như vậy” - cô Vọng cho hay. Tương tự, tại trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh), giáo viên vẫn không có khu vệ sinh riêng. Khu vệ sinh của cả thầy và trò chỉ là một khoảnh đất trong góc khuất của trường, được che chắn tạm bợ bằng bức tường đã vỡ, rêu bám đen đặc. Năm học mới đã cận kề, trường nào cũng mong mỏi được hỗ trợ bởi việc đảm bảo môi trường học tập an toàn, vệ sinh cho học sinh là yêu cầu tối thiểu. Mong mỏi ấy hiện tại đang có “điểm tựa”, bởi trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, cùng với việc xây thêm trường, TP sẽ cải tạo nhà vệ sinh của hơn 2.650 trường học trên địa bàn. Đồng thời đặt hàng DN sản xuất hệ thống toilet bằng inox, bảo đảm tiêu chuẩn và sẽ được phân bổ cho các trường học. Mục tiêu đến năm 2017 - 2018, TP sẽ giải quyết triệt để vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh cho học sinh. “Thời gian tới, dứt khoát trường học của Hà Nội phải có nước sạch, có khu vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm sức khỏe cho HS” – Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Khu vực rửa tay tại trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, bình quân 100 học sinh/hố tiêu. Tuy nhiên, các trường của Hà Nội với quy mô phổ biến trên dưới 1.000 học sinh, thậm chí có trường lên tới 3.000 học sinh, do đó khu vệ sinh trường học chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi thế tình trạng thiếu nước sạch, quá tải nhà vệ sinh, nhà vệ sinh bẩn luôn là nỗi ám ảnh đối với học sinh từ năm học này qua năm học khác. |