Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một ngày ngập “sắc xanh” của Phố Wall

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Được tiếp sức từ đà tăng nhẹ của phiên trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong ngày giao dịch 11/12 nhờ những tín hiệu sáng từ kinh tế châu Âu.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2012 cũng giúp giới đầu tư dấy lên hy vọng rằng thể chế tài chính này sẽ công bố kế hoạch mua trái phiếu, thay thế chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist) sẽ hết hạn vào cuối năm nay, qua đó tác động đáng kể tới xu hướng lên điểm của Phố Wall.

Hôm qua 11/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc họp chính sách cuối cùng của năm. Giới phân tích cho rằng, kết thúc cuộc họp này, Mỹ có thể sẽ công bố kế hoạch mua trái phiếu, thay cho chương trình hoán đổi trái phiếu sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Niềm hy vọng này đã bao trùm hầu khắp giao dịch chứng khoán trong ngày.

Bên cạnh đó, đà đi lên của chứng khoán Mỹ còn được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực tới từ châu Âu, khi mà chỉ số lòng tin của giới đầu tư Đức trong tháng 12/2012 đã leo lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua, trong khi Tây Ban Nha cũng vừa thực hiện thành công đợt đấu giá trái phiếu chính phủ.

Một ngày ngập “sắc xanh” của Phố Wall - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục có một phiên giao dịch ấn tượng. Đáng chú ý là cổ phiếu của Texas Instrument, Microsoft và Apple có mức tăng lần lượt 4%, 1,4% và 2,2%. Sự đi lên của nhóm cổ phiếu công nghệ này đã góp phần nâng bật cả hai chỉ số quan trọng là S&P 500 và Nasdaq Composite trong phiên giao dịch.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 78,56 điểm (0,60%), lên mức 13.248,44 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 9,29 điểm (0,65%), lên 1.427,84 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 35,34 điểm, tương đương 1,18%, đóng cửa ở mức 3.022,30 điểm.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường vẫn bị hạn chế bởi những nhận định tiêu cực về đàm phán liên quan tới giải quyết vực thẳm ngân sách, điều sẽ xảy ra khi chương trình tăng thu giảm chi tự động có hiệu lực đầu năm tới.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức trung bình, với khoảng 6,43 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 6,5 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Số cổ phiếu tăng điểm vượt trội số giảm điểm trên sàn New York với tỷ lệ 2/1, còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 9/4.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau khởi sắc, sau khi Đức công bố báo cáo mới nhất cho hay chỉ số lòng tin của giới đầu tư nước này đã tăng lên 6,9 điểm trong tháng 12/2012, từ mức tương ứng -15,7 điểm ghi nhận trong tháng trước đó, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 5/2012.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng vừa chào bán thành công 3.890 tỷ euro (5.057 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng, giúp lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha đồng loạt “tụt” xuống. Điều này càng dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể sẽ thoát khỏi bóng đen khủng hoảng nợ trong thời gian tới.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,06%, lên 5.924,97 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tiến 0,94%, đóng cửa ở mức 3.646,15 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2011. Trong khi, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng ghi thêm 0,78%, đóng cửa ở mức 7.589,75 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Nối gót xu hướng tích cực từ Mỹ và châu Âu trong phiên trước, sang tới ngày giao dịch 12/12 tại thị trường châu Á, các thị trường chứng khoán tiếp tục lên điểm. Mở cửa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 44,76 điểm (0,47%), lên 9.570,08 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng ghi thêm 88,96 điểm (0,40%), lên 22.412,90 điểm. Tuy nhiên, hoạt động bán tháo chốt lời mạnh mẽ lại kéo chỉ số Shanghai Composite giảm 2,06 điểm (0,1%), xuống 2.072,64 điểm./.