Nhiều doanh nghiệp than rằng, để vay được vốn ngân hàng thì đáp ứng chuẩn tín dụng là rào cản khá lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều có mong muốn để hỗ trợ khó khăn ngân hàng tính toán hạ chuẩn tín dụng. Tuy nhiên đây là điều kiện quá khó cho ngân hàng, bởi dù lâu nay đã không hạ chuẩn, nợ xấu vẫn rơi vào vòng báo động đỏ.
Điểm mặt trên thị trường tài chính, hiện duy chỉ có Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) dám mạo hiểu công bố một hình thức hạ chuẩn tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất 13%/năm, không cần tài sản đảm bảo.
Theo DongA Bank, để vay tín chấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có báo cáo tài chính với lợi nhuận ròng tối thiểu 2 năm, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản năm gần nhất dưới 70%; không phát sinh nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) trong vòng 12 tuần gần nhất. doanh nghiệp phải có nguồn trả nợ từ trong nước hoặc từ xuất khẩu.
DongA Bank không giới hạn ngành nghề để cho vay tín chấp, nhưng có yêu cầu phải sử dụng vốn vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể được vay tối đa 75% (đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước) và tối đa 85% đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Với hạn mức khoảng 1.000 tỷ đồng, DongA Bank thực hiện chương trình này trong vòng 6 tháng và thời hạn vay tối đa 6 tháng.
Việc hạ chuẩn tín dụng của DongA Bank cũng được coi là một động thái tích cực và khá mới. Bởi, thực tế hầu hết các ngân hàng lớn chủ yếu cho vay tín chấp với khách hàng là các tập đoàn kinh tế lớn, có sự bảo lãnh của Chính phủ, hoặc được mua bảo hiểm. Còn lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay vốn hầu hết phải có tài sản đảm bảo…
Ngân hàng lớn hỗ trợ nhưng không hạ chuẩn
Mới đây, trả lời trên công thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, tiêu chuẩn tín dụng là không thể giảm. Tuy nhiên, thay vào đó Vietcombank sẽ giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt.
“Doanh nghiệp nào còn có khả năng phục hồi thì được xem xét, còn khả năng ở đây nghĩa là doanh nghiệp đó chỉ gặp khó khăn về thị trường, về đầu ra của sản phẩm và nguồn trả nợ. Doanh nghiệp còn hàng tồn kho, sản phẩm vẫn tiêu thụ được thì cũng sẽ được giãn nợ để có thời gian giải quyết nguồn hàng, chứ không bị ép phải bán hàng bằng mọi giá, phải chịu lỗ nặng để có tiền trả nợ ngân hàng. Đành rằng doanh nghiệp cũng vì sự sống còn của mình nhưng nếu không đáp ứng được chuẩn tín dụng thì sự can thiệp là không thể và không đem lại lợi ích…”, ông Nguyễn Phước Thanh,Tổng Giám đốc Vietcombank, nêu rõ quan điểm.
Thời gian qua, một số chương trình cho vay lãi suất ưu đãi cũng đã được Vietcombank nhanh chóng triển khai như Chương trình cho vay tạm trữ thóc, gạo vụ Đồng Xuân (giải ngân 2.204 tỷ đồng); Cho vay ngoại tệ ngắn hạn ưu đãi (giải ngân 330 triệu USD); Cho vay VND ngắn hạn ưu đãi gói 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (đã giải ngân trên 5.400 tỷ) và gói 2.000 tỷ đồng cho bán lẻ; Cho vay SMEs đạt 26.950 tỷ đồng; Cho vay cá thể đạt 23.440 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12,6%), tăng 13% so với năm 2011.
Vietinbank, Techcombank, Agribank, BIDV, Sacombank, ACB..đều có các gói hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp, tuy nhiên tiêu chuẩn tín dụng vẫn được giữ nguyên.