Vàng thế giới biến động mạnh
Mở cửa tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.289 USD. Thời điểm đầu tuần, các thông tin kinh tế và chính trị đều không hỗ trợ cho thị trường vàng, Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc tạm thời đạt được thỏa thuận không áp đặt thuế cao lên hàng hóa của nhau. Mỹ và Triều Tiên tiến gần đến cuộc họp thượng đỉnh, với thiện chí của phía Bình Nhưỡng là phá hủy khu vực thử hạt nhân.
Vàng do vậy đã mất đi vai trò trú ẩn và giảm dần xuống 1.280 USD/oz, sau đó là bật lên giao dịch quanh mức 1.290 USD. Tuy nhiên vào đêm 24/5 và rạng sáng 25/5 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đã bật tăng mạnh khi ông Donald Trump đã gửi thư cho Tổng thống Triều Tiên hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Sau thông tin này, giá vàng đã bật tăng mạnh lên trên 1.304 USD vào sáng ngày 24/5. Đứng phiên tại thị trường Mỹ rạng sáng ngày 26/5 giá vàng thế giới giảm về ở mức 1.300 USD/oz, giảm 4 USD so với chốt phiên trước.
Đầu phiên sáng nay 26/5, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.300 USD, cũng giảm 4 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và ngang giá so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã có đợt điều chỉnh mạnh. Tính từ mốc thấp nhất là 1.280 đến mốc 1.304 USD, giá vàng đã tăng giảm tới 24 USD trong tuần. Cả tuần, giá vàng quốc tế tăng 11 USD so với giá mở cửa tuần, tăng 8 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Vàng trong nước điều chỉnh bất thường
Ngay phiên đầu tuần khi giá giá vàng quốc tế giảm 3 USD thì vàng SJC trong nước lại bật tăng 60.000 - 70.000 đồng/lượng ở cả thị trường tự do và DN. Đối với vàng nhẫn còn tăng mạnh lên 100.000 đồng/lượng.
Đến phiên ngày 24/5, vàng quốc tế tăng thì vàng trong nước đi ngang. Đặc biệt nhất trong phiên đó là vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng của Tập đoàn Doji đã giảm chiều mua 40.000 đồng/lượng nhưng tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên hôm trước đó, niêm yết ở mức 35,7 – 36,1 triệu đồng/lượng. Kéo giãn chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của đơn vị này tăng từ 60.000 lên 400.000 đồng/lượng.
Mặc du thị trường quốc tế tăng – giảm mạnh, nhưng thị trường trong nước chủ yếu điều chỉnh từ 20.000 – 70.000 đồng/lượng vàng SJC mỗi phiên. Vàng nhẫn điều chỉnh mạnh nhất vào phiên 25/5 ở mức 130.000 đồng/lượng.
Phiên cuối tuần 26/5, giá vàng miếng SJC trên thị trường tự do cũng chỉ giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do TP Hồ Chí Minh mua – bán quanh mức 36,58 – 36,73 triệu đồng/lượng.
Cùng lúc giá vàng SJC giao dịch trên thị trường tự do ở Hà Nội và Đà Nẵng mua – bán quanh mức 36,58 – 36,75 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán giữa các thị trường giữa ở mức 150.000 – 170.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC mua – bán ở mức 36,6 – 36,68 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 80.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC được Công ty Phú Quý niêm yết mua – bán ở mức 36,62 – 36,7 triệu đồng/lượng, cũng giảm 20.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán ở mức 80.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn sáng nay cũng chỉ giảm nhẹ 30.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Cụ thể, nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng được Tập đoàn Doji niêm yết cùng thời điểm trên ở mức 35,85 – 36,25 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa 2 chiều 530.000 đồng/lượng.
Nhẫn vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua – bán đầu giờ sáng nay ở mức 36,09 – 36,54 triệu đồng/lượng, giảm 60.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của công ty này là 450.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Phú quý 24K hôm nay được Công ty Phú Quý niêm yết mua – bán ở mức 36 – 36,4 triệu đồng/lượng, ngang giá so với chốt phiên trước, chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của đơn vị này 400.000 đồng/lượng.
Đánh giá của các DN, do biến động trong biên độ hẹp; trong giao dịch nhiều phiên cũng không có điều chỉnh các bước giá tăng giảm, vì vậy thị trường trong nước vẫn ở ảm đạm, thiếu vắng sự đầu tư lớn. Khách giao dịch chủ yếu lại ở chiều bán ra chiếm khoảng 60 – 70% giao dịch trên thị trường.
Trong phiên ngày 24/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông tin về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm quyết liệt trong việc quyết định nâng lãi suất đồng USD. Biên bản này cũng cho thấy FED sẽ cho lạm phát tăng cao hơn mức mục tiêu một thời gian. Như vậy, thông tin này chưa làm rõ được dự báo về kinh tế Mỹ cũng như ảnh hưởng của các yếu tố trên thị trường vàng.
Thị trường đang tập trung vào theo dõi những động thái của Mỹ, Triều Tiên xung quanh việc xử lý vẫn đề hạt nhân tại Triều Tiên.
Tốc độ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức khoảng 11%, và đồng tiền rớt giá nhanh đẩy giá cả tăng càng mạnh hơn. Mỗi năm, Thổ Nhĩ Kỳ phải chi hàng trăm tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, bao gồm xe hơi, quần áo, tủ lạnh… Những mặt hàng này đang trở nên ngày càng đắt đỏ dưới sức ép tỷ giá.
Thông tin mới nhất, đó là Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào cuộc khủng hoảng với tỷ lệ lạm pháp trên 11%, giá cả hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu tăng cao, còn tỷ giá đồng nội tệ Lira đang bị sụt giá mạnh đến 20% kể từ đầu năm. Nguyên nhân, nhiều nhà đầu tư đã rút vốn mạnh khỏi các thị trường chuyển về Mỹ hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi ông Trump cắt giảm thuế cho DN. Thâm hụt tài khoản vãng lai ở quốc gia này nằm giữa châu Á và châu Âu này chiếm hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập siêu các mặt hàng cho tiêu dùng lại càng đưa đất nước này thêm lâm vào khủng hoảng.
Bên cạnh đó, thị trường thế giới đang theo dõi những diễn biến tại Italy, nếu quốc gia này xảy ra khủng hoảng kinh tế thì vàng được hưởng lợi. Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường về những yếu tố ảnh hưởng. Nếu Italy và Thổ Nhĩ Kỳ khủng hoảng sâu thêm thì có lẽ thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ đầu khủng hoảng kinh tế, vàng sẽ tăng giá mạnh.