Thời gian qua, người dân ở Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã quá quen thuộc với hình ảnh các chiến sĩ biên phòng sử dụng xe gắn máy cùng với chiếc loa kéo mini di chuyển khắp các cảng cá, bến bãi, khu dân cư.
Ngày nào cũng buôn bán ở cảng cá Sa Huỳnh, chị Võ Thị Hồng Hải (ở phường Phổ Thạnh) "thuộc nằm lòng" các nội dung phát ra từ loa. Lúc đầu chị Hải nghe chỉ vì tò mò, nhưng càng nghe, chị càng thấy hữu ích vì hiểu được những lỗi vi phạm mà trước đây, chồng chị (chủ tàu đánh bắt xa bờ) thường hay mắc phải.
"Chồng đi làm ở ngoài biển làm sao biết bộ đội biên phòng nói gì. Mình làm ở đây, nghe cái loa "kẹo kéo" phát nhiều lần rồi nhớ. Mỗi lần điện ra cho chồng đều dặn không đánh bắt vùng biển nước ngoài, mua máy giám sát hành trình cho tàu và giấy tờ phải đầy đủ theo quy định. Giờ tàu cá của gia đình không còn bị phạt nữa"- chị Hải chia sẻ.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong khai thác hải sản đúng pháp luật và khắc phục, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện ra vào làm ăn trên biển, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi còn triển khai nhiều hình thức tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Trong đó, "Tiếng loa biên phòng" là một điển hình.
Sa Huỳnh từng là điểm nóng về tàu cá vi phạm ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng nhờ công tác tuyên truyền và quản lý của Bộ đội biên phòng, đến nay tỉ lệ tàu cá vi phạm đã giảm đến mức thấp nhất.
Ngoài “Tiếng loa biên phòng”, thời gian gần đây, một số Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn lắp đặt hệ thống camera giám sát tàu cá ra - vào cửa biển nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để những hành vi khai thác, thu mua hải sản không có nguồn gốc.
Việc lắp đặt camera giám sát được thực hiện công khai tại các cửa biển đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và cảnh báo, răn đe các chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm các quy định. Đồng thời cũng là cơ sở để “phạt nguội” những trường hợp vi phạm.
Ngư dân Thái Thuần Nguyên- thuyền trưởng tàu cá QNg 94568-TS, cho biết: “Giờ có camera giám sát nên không thể làm sai được. Tàu vào cửa biển là giảm tốc độ, đi đúng luồng lạch; vào đến cảng thì neo tàu nghiêm chỉnh, xuất trình giấy tờ, báo cáo với biên phòng”.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ngư dân Quảng Ngãi chấp hành khá tốt các quy định về chống khai thác IUU. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS và kiểm soát tàu cá tại cảng, kiểm tra, giám sát tàu cá, sản lượng bốc dỡ qua cảng phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác được tăng cường.
Quảng Ngãi có hơn 4.200 tàu đánh cá đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia. Những tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều được theo dõi chặt qua hệ thống giám sát nghề cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối giám sát hành trình trên tàu cá.
“Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền để ngư dân hiểu được thế nào là khai thác IUU với nhiều hình thức như phát tờ rơi, lắp đặt camera tại các cửa biển; triển khai mô hình “Tiếng loa biên phòng”,... Bên cạnh đó, tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, cửa biển, cảng cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác IUU. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản"- Đại tá Trần Tuấn Anh- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết.