Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa Đông 1946: Ký ức hào hùng không thể quên với người Hà Nội

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Hà Nội những ngày ấy “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”...

70 năm trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tại Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Những ngày ấy đã trở thành ký ức hào hùng không thể quên với những người dân Hà Nội.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi độ gió heo may về, căn nhà nhỏ của gia đình Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) lại rộn rã tiếng cười nói của những người lính cảm tử Thủ đô năm xưa. Và có lẽ cũng đã trở thành truyền thống, trong những buổi gặp mặt đó, câu chuyện được các ông nhắc đến nhiều nhất là những trận chiến đấu, chiến thuật tấn công quân Pháp của Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại Liên khu I trong điều kiện không tương quan về lực lượng, vũ khí.
 Khu vực phố Hàng Đào, Cầu Gỗ (Hà Nội) năm 1946 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: “Mùa đông năm 1946, quá trình địch gây hấn ở Hà Nội làm cho nhân dân ý thức được trách nhiệm của mình sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những hành động gây hấn của địch đã làm cho nhân dân thấy được bộ mặt, dã tâm tái chiến ở Việt Nam. Mọi người dân đều sục sôi, sẵn sàng, nhiệt tình chỉ đợi có lệnh là sẵn sàng nổ súng”.
Đêm 19/12/1946, khi hiệu lệnh chiến đấu mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, các lực lượng vũ trang đồng loạt nổ súng. Xe điện bị lật nhào ở các ngã ba, ngã tư thành phố; bàn ghế, sập gụ, tủ chè, hòm xiểng được đưa ra làm chướng ngại vật. Công nhân phá Nhà máy điện Yên Phụ, cả thành phố chìm trong bóng tối. Cột điện, cây cối đổ ngổn ngang. Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất, cát, gạch đắp ụ hối hả… cả thành phố ào ra đường chống giặc. Dưới giao thông hào các chiến sỹ đọc cho nhau nghe Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vững thêm ý chí chiến đấu.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Đội Vệ út năm xưa nhớ lại: “Ở Mai Dịch người dân đắp một cái ụ rất to, rồi đào hồ đắp lá trên đường để xe tăng địch không đi được. Nhân dân tản cư, chỉ còn thanh niên và bộ đội ở lại chiến đấu. Chúng tôi có nhiệm vụ nhận mệnh lệnh ở tổng chỉ huy chuyển cho đơn vị chiến đấu trong thành”.
Hà Nội những ngày ấy “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhân dân Thủ đô không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Trong lòng phố cổ, đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô”, “Độc lập hay là chết”. Những liên lạc viên ngang dọc dưới làn đạn thù, lao ra chiến địa để truyền mật lệnh chiến đấu, tham gia tiếp tế, cứu thương và có lúc trực tiếp cầm vũ khí đánh quân thù. Những lá đơn tình nguyện xin được ôm bom ba càng diệt xe tăng địch của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ngày càng nhiều…
Có mặt tại Thủ đô những ngày máu lửa ấy, bà Lê Thị Nhã, người con Hà Nội, nhớ lại những ngày gian khổ, căng thẳng và cho rằng sở dĩ đất nước được như ngày hôm nay, mới thấy những kỳ tích của Hà Nội, của Thủ đô rất lớn, rất vĩ đại.
70 năm đã qua, nhưng mạch nguồn hào hùng, quyết liệt của một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn còn vang mãi. Để rồi, trong những ngày cuối năm này, nhân dân Thủ đô lại nhớ về những ngày đêm lịch sử đó, để nhắc cho thế hệ trẻ hôm nay rằng ông cha ta đã sống và chiến đấu như thế nào cho Thủ đô. Thắng lợi của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã cổ vũ rất lớn cho quân và dân ta liên tiếp lập nên nhiều chiến công đánh bại thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.