Kinhtedothi - Mùa giải Nobel 2014 ngày 6/10 đã chính thức bắt đầu với việc Ủy ban Nobel tại Học viện Karolinska của Thụy Điển đã công bố kết quả của giải Nobel Y học. Theo đó, giải thưởng danh giá nhất thế giới về y học đã thuộc về 3 nhà khoa học John O'Keefe, May-Britt Moser và Edvard I. Moser.
“GPS của não” giành Nobel Y học
Nhờ phát hiện ra một hệ thống định vị, một kiểu “GPS nội tại” trong bộ não giúp con người có thể định hướng trong không gian, nhà khoa học Mỹ gốc Anh John O'Keefe cùng vợ chồng nhà khoa học Na Uy Evard I. Moser and May-Britt Moser được trao phần thưởng trị giá 1,11 triệu USD.
Công trình khoa học mang tính đột phát này được thực hiện từ năm 1971 khi John O'Keefe phát hiện ra các thành phần đầu tiên của hệ thống định vị này. Qua các thí nghiệm trên chuột, ông phát hiện hippocampus - một loại tế bào thần kinh trong não chuột được kích hoạt ngay khi một con chuột khác xuất hiện ở một vị trí bất kỳ trong phòng thí nghiệm, nó cho thấy hệ thần kinh của chuột đã dần thiết lập một bản đồ định vị của căn phòng. Hơn ba thập kỷ sau đó, năm 2005, May-Britt và Edvard Moser cũng phát hiện "tế bào lưới" tạo ra một hệ thống phối hợp và cho phép định vị chính xác và tìm đường. Những khám phá của John O'Keefe, May-Britt Moser và Edvard Moser đã lý giải được vấn đề mà các triết gia và các nhà khoa tìm kiếm câu trả lời trong suốt nhiều thế kỷ là làm thế nào mà bộ não tạo ra được bản đồ của không gian và cách thức mà chúng ta định vị, tìm kiếm chính xác được vị trí của mình trong một thế giới ngày càng đa dạng và phức tạp.
Căng thẳng cuộc đua Nobel Hòa bình
Giống như thông lệ, mọi sự chú ý của dư luận đều dồn vào giải Nobel Hòa bình. Trong bối cảnh mùa giải năm nay có tới 278 đề cử - con số kỷ lục từ trước đến nay, cuộc đua đến danh hiệu này được đánh giá là sẽ diễn ra vô cùng kịch tính và gây ra nhiều tranh cãi. Trên thực tế, ngay từ khi những cái tên như Giáo hoàng Francis, “người lộ mật” Edward Snowden, Malala Yousafzai - nhà hoạt động về quyền phụ nữ mới 17 tuổi người Pakistan… được truyền thông chú ý và các nhà cái châu Âu đặt cược cao, các cuộc tranh cãi đã nổ ra.
Theo ông Kristian Berg Harpviken, người đứng đầu Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo (PRIO) đã xếp Snowden - cựu nhân viên Cơ quan Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) ở vị trí thứ hai, sau Giáo hoàng Francis về cơ hội giành Nobel Hòa bình vì anh đã dũng cảm tiết lộ động trời về chương trình theo dõi của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, ông Harpviken cũng phải công nhận rằng cựu chuyên gia phân tích tình báo sẽ là một lựa chọn gây tranh cãi khi “nhiều người tiếp tục coi Snowden là một kẻ phản bội”. Trong khi đó Giáo hoàng Francis - người đang đứng đầu danh sách của nhà cái Paddy Power với tỷ lệ cá cược 9/4 hiện đang trở thành một lựa chọn hàng đầu cho vị trí chủ nhân của giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của ông trong việc thu hút sự chú ý của toàn cầu đối với người nghèo, và sự cần thiết của một hướng tiếp cận mới đối với phát triển và tái phân bổ kinh tế.
Những cái tên khác như Malala Yousafzai, nhà hoạt động 17 tuổi người Pakistan đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái, hay Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được Học viện Quốc tế Hữu nghị và Hợp tác của Nga đề cử giải Nobel Hòa bình vì đã nỗ lực ngăn Mỹ không kích chống chính quyền của Tổng thống Syria. Hiện, chưa rõ ai sẽ là chủ nhân của giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel nhưng nhiều nhà phân tích nhận định rằng, các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine sẽ khiến cuộc tìm kiếm người chiến thắng cuối cùng sẽ phức tạp và hứa hẹn nhiều bất ngờ hơn mọi năm.
Theo kế hoạch, giải Nobel Vật lý được công bố vào hôm nay (7/10), tiếp đến là giải Hóa học (8/10), Nobel Hòa bình (10/10), Nobel Kinh tế công bố vào ngày 13/10 sẽ kết thúc mùa giải Nobel 2014.
Buổi công bố giải thưởng Nobel Y học tại Học Viện Karolinska của Thụy Điển ngày 6/10. Ảnh: Foxnew
|