Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ khiến 17 người dân tại Khánh Hòa bị chết và mất tích

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, tính đến 9h sáng nay (19/11), mưa lũ xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 đã khiến 12 người chết và 5 người hiện còn đang mất tích. Toàn bộ 17 người bị thương vong đều thuộc tỉnh Khánh Hòa.

 Người dân tổ 2 Trường Sơn, Vĩnh Trường khắc phục hậu quả sạt lở đất. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Cũng tại tỉnh này, đã có 11 người bị thương. Mưa lũ cũng khiến 43 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng (TP Nha Trang: 30 nhà, huyện Cam Lâm: 7 nhà, thị xã Ninh Hòa: 6 nhà). Tại TP Nha Trang, nhiều tuyến đường hiện vẫn bị ngập, có nơi trên 0,5 đến 1m, gây ách tắc giao thông.
Huyện Diên Khánh: 18/18 xã hầu hết đều bị ngập, 6/18 xã ngập từ 0,5m trở lên như: Diên An, Diên Phú, Diên Toàn, Diên Bình, Diên Lạc, Diên Điền. Quốc lộ 1A từ Phường Cam Nghĩa đến Phường Cam Phú (TP Nhà Trang) ngập từ 0,4 - 0,6m. Tại huyện Khánh Vĩnh: 5 cầu tràn ngập sâu từ 0,4 - 0,6m. Trong khi đó tại huyện Khánh Sơn: 9 tràn ngập sâu từ 0,4 - 0,6m.
Trong khi đó tại tỉnh Ninh Thuận: Một số nơi thuộc xã Phước Nam, huyện Thuận Nam bị ngập sâu từ 0,4 - 0,6m; một số tuyến đường thuộc các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Minh, huyện Thuận Nam bị ngập sâu từ 0,3 - 0,5m.
Ngày hôm qua, trên địa bàn thôn Phú Hạnh (Gành Đá Đĩa), xã An Ninh Đông, huyện Tuy An và xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa xảy ra lốc xoáy khiến 144 nhà (44 nhà ở xã An Ninh Đông; 100 nhà ở xã Hòa Tâm) đã bị sập đổ. Ngoài ra, sập, tốc mái 11 lều, quán tại An Ninh Đông.
Nhằm sớm khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, TP khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của Thủ tường Chính phủ và Công điện số 57/CĐ-TW ngày 17/11/2018 của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT- Ủy ban Quốc gia UPSC,TT&TKCN.
Riêng đối với tỉnh Khánh Hòa, cần tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, “màn trời, chiếu đất”.
Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.