Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ ở miền Trung khiến nhiều người chết và mất tích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến 11h trưa 16/11, tỉnh Bình Định đã có 9 người chết, 2 người bị mất tích.

Trong sáng 16/11, mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm nhưng mực nước các sông vẫn còn dao động ở mức cao. Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến 11h trưa 16/11, tỉnh Bình Định đã có 9 người chết, 2 người bị mất tích.

Trong đó 3 người thiệt mạng ở huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn có 2 người chết, huyện Tuy Phước có 2 người chết; huyện Phù Cát và Hoài Ân mỗi địa phương có 1 người chết; TP. Quy Nhơn và huyện Vân Canh  mỗi địa phương cũng đã có 1 người mất tích. Nước lũ đã làm sập 11 nhà và nhấn chìm 95.000 nhà dân ở các huyện thành phố trong lũ. Quốc lộ 19 và Quốc lộ 1 A bị ngập sâu nhiều đoạn.

 
Mưa lũ ở miền Trung khiến nhiều người chết và mất tích - Ảnh 1

Nhiều con đường ở Bình Định biến thành sông.

Đáng chú ý là tại huyện Vĩnh Thạnh, 3 người dân ở ngoài bãi sông Koon thuộc xã Vĩnh Quang được cứu sống. Tuyến tỉnh lộ ĐT 637 lên huyện bị chia cắt do bị sập 2 cầu. Xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn bị chia cắt, cô lập do sạt lở đường tránh hồ Định Bình. Cầu treo qua làng O2 bị trôi.

Tại huyện An Lão đã xảy ra lũ quét tại các xã vùng cao: An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang. Nước lũ còn chia cắt tại các xã vùng thấp như: An Hòa, An Tân. Tuyến tình lộ ĐT 629 lên huyện bị ngập nhiều đoạn, tuyến đi An Toàn, An Nghĩa bị sạt lở. Hiện tỉnh Bình Định đang tiếp tục dùng ca nô của lực lượng vũ trang cứu người.

Ông Lê Hữu Lộc,Chủ tịch UBND tỉnh Bình Bình Định cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đưa số người dân  về các nơi cao ráo và nếu như trong ngày hôm nay có thể chúng tôi sẽ đề nghị Quân khu 5 dùng các  phương tiện như trực thăng để thả hàng cứu trợ đến cho các vùng bị chia cắt mà hiện các ca nô không thể vào được".

Thừa Thiên-Huế có gơn 11.000 hộ dân bị ngập

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ chiều 15/11, nước ở sông Bồ dâng cao,  nhiều khu dân cư các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An... bị nhấn chìm. Người dân rơi vào cảnh bị chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt, tuyến đê Nho Lâm-Nghĩa Lộ, xã Quảng Phú bị sạt lở đợt trước, nay tiếp tục bị sạt lở.

Để hạn chế những thiệt hai do lũ gây ra, huyện Quảng Điền đã huy động hơn 250 người gồm nhân dân cùng với lực lượng bộ đội, công an, đã tiến hành đắp đoạn đê, đường bị sạt lỡ nặng nhất.

Tuy nhiên, nước lũ dâng cao tràn qua đê, nguy cơ gây sạt lở nặng. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để tiến hành di giời dân khi nước lũ dâng cao. Toàn tỉnh Thừa-Huế có 11.140 nhà bị ngập.

Tính đến 10h30 sáng 16/11, sạt lở trên Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã được khắc phục xong, các phương tiện đã có thể lưu thông. Tuy nhiên, Quốc lộ 25 đoạn qua thị xã Ayun Pa (Gia Lai) lại bị chia cắt. Nước lũ cũng đang dâng rất cao và gây nhiều thiệt hại cho các huyện, thị xã vùng hạ lưu sông Ba, tỉnh Gia Lai.

Tại Thị xã Ayun Pa, lúc 10h ngày 16/11, nước lũ đã lên đến báo động khẩn cấp. Các lực lượng của thị xã đã phải di dời khẩn cấp 60 hộ dân với 250 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Nước sông Ba dâng cao còn làm Quốc lộ 25 bị ngập sâu một đoạn dài.

Ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban phòng chống lụt bão thị xã Ayun Pa cho biết: “Mực nước thì sáng đến giờ đã lên tới báo động khẩn cấp rồi. Trên Quốc lộ 25 thì cô lập đoạn giữa xã Ia Sao với xã Ia Rtô khoảng 150m, mực nước sâu hơn 1m. Địa phương cử lực lượng công an ra giữ hai đầu để không cho dân tự ý đi qua. Trên cơ sở đó, dùng xuồng, ca nô đưa người dân qua lại”.

Tại huyện Krông Pa, nước lũ hiện đang ở mức báo động 3 và đã làm ngập khoảng 600 ha cây trồng. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở khoảng 2.000m3 đất đá trên các tuyến đường liên xã. Chính quyền địa phương đang tiếp tục theo dõi tình hình nước lũ để có thể chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngành chức năng huyện Krông Pa đã cấm mọi thuyền đò qua sông Ba để tránh bị nước lũ cuốn trôi.  

Còn đối với QL 19, như đã đề cập, sau 1 đêm khắc phục, sạt lở ở đoạn qua đèo An Khê (thị xã An Khê) đã được khai thông. Tuy nhiên, Quốc lộ lộ này hiện vẫn bị ách tắc ở đoạn qua tỉnh Bình Định. UBND tỉnh Gia Lai đã cử phương tiện, máy móc sang Bình Định hỗ trợ để sớm thông toàn tuyến./.