Từ phong trào DĐĐT, nhiều vùng sản xuất hàng hóa đang dần hình thành, góp phần tạo nên những mùa vàng bội thu cho người nông dân.
Đất cằn nở hoa
Những ngày đầu tháng 12, trên các khu đồng đồi gò của xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ rực rỡ một màu vàng của cam Canh, bưởi Diễn đang vào độ chín. Chủ tịch UBND xã Trần Phú Lê Anh Kiều vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam Canh của gia đình. Ông chia sẻ, nhờ được chăm sóc tốt, mỗi cây cam cho thu hoạch từ 100 - 120kg, giá bán buôn tại ruộng từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Với diện tích 1ha, thu nhập từ trồng cam của gia đình ông Kiều năm nay ước đạt 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi 700 triệu đồng. "Trước đây, trồng sắn chỉ cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng/ha nhưng sau DĐĐT toàn xã đã chuyển đổi được 120ha trồng sắn sang trồng cây ăn quả, cho thu nhập cao gấp hàng chục lần" - ông Kiều cho biết.
Vòng qua xã Hữu Văn, ngay từ xa, chúng tôi đã ấn tượng với khu trang trại có tường rào chạy dài tít tắp của anh Nguyễn Văn Hải, thôn Mỹ Hạ. Anh Hải cho biết, khi xã có chủ trương DĐĐT, anh đã mạnh dạn thuê lại ruộng đất của bà con với mức 200kg thóc/sào/năm để xây dựng trang trại chăn nuôi có hệ thống trang thiết bị hiện đại với quy mô 3ha. Trong đó, anh nuôi 70.000 con gà đẻ, mỗi ngày cho 50.000 trứng và 3.000 con lợn, mỗi năm cho thu 600 tấn thịt hơi. Doanh thu của trang trại đạt 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Toàn xã Hữu Văn có hơn 360ha đất nông nghiệp. Trước đây, bình quân mỗi hộ có 6 - 7 thửa ruộng, manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa nên năng suất lúa đạt thấp, tối đa chỉ 54 tạ/ha. Năm 2012, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề và triển khai thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến tháng 1/2013, toàn xã đã cơ bản hoàn thành DĐĐT. Ông Phùng Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hữu Văn phấn khởi cho biết, sau gần một năm thực hiện DĐĐT, đồng ruộng của xã đã "thay da đổi thịt", năng suất lúa vụ xuân 2013 đạt 64 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi được gần 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vàn cao sang các mô hình trang trại đa canh, trồng cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư…
Tiền đề cho sản xuất hàng hóa
Theo UBND huyện Chương Mỹ, diện tích đất cần thực hiện DĐĐT toàn huyện là 10.443ha. Tính đến nay, huyện đã dồn được gần 8.000ha tại 29 xã, thị trấn, trong đó có 177/215 thôn, xóm đã thực hiện xong DĐĐT. Đa số các hộ sau DĐĐT chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, thửa lớn nhất có diện tích 9.000m2, thửa nhỏ nhất 270m2. Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, xác định DĐĐT là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ huyện đến cơ sở. Phương án DĐĐT của các địa phương được xây dựng cụ thể, chi tiết, có sự tham gia đóng góp ý kiến dân chủ, công khai của nhân dân. Nhờ đó, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan.Đặc biệt, sau DĐĐT, nhân dân các xã, thị trấn rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để kêu gọi các dự án, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện sau DĐĐT đạt 355,26ha.
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong tháng 12, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện DĐĐT xong 2.496ha còn lại và giao ruộng cho nhân dân trước 20/12 để kịp sản xuất vụ xuân 2014. Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thành cấp giấy chứng nhận sau DĐĐT cho người dân yên tâm sản xuất. Trên cơ sở DĐĐT, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương.
Vườn cam Canh của gia đình ông Lê Anh Kiều, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ.
|