Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mực nước sông Hồng hạ thấp: Đâu là giải pháp căn cơ?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Xuân 2019, công tác chống hạn của Hà Nội tiếp tục gặp nhiều khó khăn do mực nước sông Hồng đạt mức rất thấp. Nguy cơ nguồn nước sông Hồng ngày một cạn kiệt đang hiện hữu và ngày một trở nên đáng lo ngại hơn.

Chống hạn gặp khó
Vụ Xuân 2019, Hà Nội tổ chức gieo cấy trên 91.000ha, chiếm 1/6 tổng diện tích canh tác vụ Xuân 2019 của 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, kết thúc khung thời vụ, Hà Nội lại là... địa phương cuối cùng lấy đủ nước.
 Vận hành lấy nước vụ Xuân tại trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là mực nước sông Hồng đạt mức rất thấp, khiến các trạm bơm chính như Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm, Đan Hoài không thể vận hành. Công tác lấy nước của Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào 67 trạm bơm dã chiến.
Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích) Ngô Thanh Minh cho biết, trong 3 đợt lấy nước vụ Xuân 2019, mực nước sông Hồng đạt cao nhất chỉ là +4,26m. Trong khi đó, trạm bơm Phù Sa với 4 tổ máy chính chỉ có thể vận hành khi mực nước sông Hồng đạt +5,2m. Việc lấy nước vụ Xuân 2019 cho hơn 6.000ha phụ thuộc hoàn toàn vào 32 tổ máy bơm dã chiến.
Việc mực nước sông Hồng hạ thấp cũng khiến công tác điều tiết các hồ chứa thủy điện gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nếu như năm 2008, các hồ chứa chỉ cần xả 2,5 tỷ mét khối là toàn bộ trạm bơm dọc hệ thống các sông chính đều có thể vận hành lấy được nước; thì đến năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải xả tới 5,74 tỷ mét khối nước. Dẫu vậy, nhiều trạm bơm vẫn không thể vận hành.
Mất cân bằng vì nạn khai thác cát
Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng, sông Đuống đã bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ở nhiều đoạn. Trên sông Đuống, cao độ đáy sông hạ thấp từ 4 – 6m, còn trên sông Hồng tại vị trí trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), đáy sông cũng bị hạ thấp đến 5m. Một nguyên nhân chung được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra để lý giải cho việc lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp, đó là sự mất cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du và khối lượng cát bị khai thác.
Cụ thể, tổng lượng bùn cát của 3 sông: Đà, Lô, Thao về hạ du sông Hồng tại thị xã Sơn Tây liên tục giảm trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2001 – 2005 là 38,82 triệu mét khối, giai đoạn 2006 – 2010 là 21,9 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 8,41 triệu mét khối và giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến cũng chỉ khoảng 8 triệu mét khối.
Mặc dù lượng bùn cát về hạ du liên tục giảm, nhưng khối lượng cát khai thác trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình trung bình mỗi năm lại ngày một tăng. Tính riêng khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, trong giai đoạn 2001 – 2005 là 16,67 triệu mét khối; giai đoạn 2006 – 2010 là 29,61 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 34,78 triệu mét khối và giai đoạn 2016 – 2020 dự báo sẽ ở mức 37,8 triệu mét khối.
Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia thủy lợi đề xuất giải pháp đắp bù và đắp đập ngầm để nâng đáy sông Hồng tại các vị trí có trạm bơm. Giải pháp công trình có ý nghĩa lâu dài, nhưng kinh phí thực hiện sẽ rất lớn. Chính vì vậy, các đơn vị liên quan như Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và địa phương được hưởng lợi cần bàn thảo phương thức huy động nguồn vốn phù hợp. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, giúp giảm dần tốc độ hạ thấp lòng dẫn sông Hồng.

"Để giảm tốc độ hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, giải pháp cấp bách hiện nay là cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình, ít nhất là bảo đảm mức cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du với khối lượng được khai thác hàng năm." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương