Có lần, chúng ta đã qua mặt một Thái Lan khủng hoảng, nhưng phần đa là phải nếm trải cảm giác thất bại. Sau rất nhiều trận thua cay đắng, người ta nhận ra rằng, đừng chăm chăm vào việc đánh bại Thái Lan, hãy học họ cách làm bóng đá.
Từ lời thú nhận của Công Vinh
Sau trận thua trước Thái Lan, cầu thủ nổi tiếng là nghị lực của bóng đá Việt Nam, tiền đạo Lê Công Vinh đã xát muối vào lòng người hâm mộ với phát biểu tưng tửng: "Bóng đá Việt Nam chưa cần thiết phải vượt qua Thái Lan. Họ đã ở một đẳng cấp khác. Đội tuyển (ĐT) Việt Nam hãy nghĩ đến mục tiêu vừa sức hơn là đánh bại Malaysia, Indonesia hay Singapore".
Phát biểu gây sốc này cho thấy sự bất lực của một Công Vinh đầy tham vọng. Thế nhưng, tiếng thở dài của tiền đạo số 1 Việt Nam lại mang đến cơn bão trong dư luận. Người ta cho rằng, đó là phát biểu của kẻ kém cỏi, đầu hàng trước số phận. Thế nhưng, trong lời tâm sự với báo chí sau đó, Công Vinh đã phản pháo rằng: Bóng đá Việt Nam cần phải thực tế. Trình độ cầu thủ Thái Lan đã vượt xa cầu thủ Việt Nam rất nhiều. Họ đã có những cầu thủ chơi bóng ở châu Âu nhưng Việt Nam thì không thể. Họ đã đạt đến tư duy chơi bóng hiện đại, có thể áp đặt được lối chơi lên những đội bóng hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đến sự thay đổi cần có về tư duy
Dư luận luôn tự hào rằng, bóng đá Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển. Cầu thủ Việt Nam khéo léo, linh hoạt và thông minh. Người hâm mộ thì luôn đam mê bóng đá cháy bỏng. Thế nhưng, đó cũng là điểm mạnh của bóng đá Thái Lan. Thậm chí, bóng đá Thái Lan còn có được những điều kiện mà Việt Nam chưa thể có, đó là hạ tầng xã hội và khả năng đầu tư cho bóng đá. Liên đoàn Bóng đá Thái Lan thì rất mạnh về tài chính. Quan trọng hơn cả là các đội bóng của họ đã chính thức hoàn thành mục tiêu chuyên nghiệp hóa. Họ đã biết sống bằng các hoạt động bóng đá và bắt đầu thực hiện chính sách phát triển cân bằng cả chục năm nay.
Khi mà người Thái đã tính đến lộ trình cả chục năm cho bóng đá thì tại V.League, các đội bóng vẫn đang tranh cãi với nhau về… cái nhà vệ sinh ở sân vận động. Họ bảo rằng, còn quá nhiều rào cản ngăn cản việc sửa chữa cái nhà vệ sinh cho đáp ứng với tiêu chuẩn thi đấu do VFF đặt ra.
Một chi tiết rất nhỏ nhưng lại phản ánh những điểm yếu chết người của nền bóng đá. Đó là việc các đội bóng vẫn hoạt động một cách thụ động. Họ là nơi tiêu tiền chứ không tìm ra cách kiếm tiền. Họ muốn bán hàng nhưng lại không chịu nâng cao chất lượng dịch vụ. Và quan trọng hơn, các ông bầu, các vị lãnh đạo đội bóng chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt chứ quyết không xây dựng những nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Vậy mới nói, bóng đá Việt Nam đừng đặt ra mục tiêu không tưởng là một, hai năm có thể đánh bại người Thái. Bóng đá Thái Lan đã tạo dựng ra những cơ sở để hướng đến tầm nhìn châu lục. Hãy lấy con đường phát triển của họ làm kinh nghiệm cho mình thay vì hô hào quyết tâm một cách duy ý chí. Nói cho cùng, chẳng thể có được sự thành công trọn vẹn nếu thiếu một tầm nhìn chiến lược và những hành động cụ thể. Vậy thì, bóng đá Việt Nam thay vì than khóc, chỉ trích lẫn nhau vì thua Thái Lan, hãy bắt tay vào học cách làm của họ.
Một pha tranh bóng trong trận đấu Việt Nam để thua 0 - 3 trước Thái Lan.
|