Ảnh minh họa |
Ngoài ra, việc kinh doanh qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) cũng đặt ra vấn đề quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, cụ thể là thu thuế. Do người kinh doanh lại không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng chủ yếu theo hình thức tiền trao tay, không hóa đơn,... do đó không có cơ sở để tính thuế. Trong khi theo quy định của ngành thuế, đã mua bán phải kê khai, khi kê khai mới xác định có phải nộp thuế hay không. Thế nhưng, hầu hết những cá nhân kinh doanh trên các trang TMĐT không kê khai. Thậm chí nhiều DN kinh doanh trên mạng không có địa điểm kinh doanh, không tài khoản ngân hàng rõ ràng. Không ít DN, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục TMĐT và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ…
Trước thực trạng trên, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đang được Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tập trung hoàn thiện. Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, nâng cấp, sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Cục đã có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan, cũng như quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng.
Ngành thuế cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin để xác định nguồn tiền, đảm bảo ngăn chặn được trốn, tránh thuế... Cùng với đó, cần có ngay quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay tiền thuế của tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam nhất là đối với các tổ chức như Facebook, Google....
Với những chế tài đó hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên các trang TMĐT; đồng thời sẽ kiểm soát được nguồn tiền của loại hình kinh doanh này tiến tới chống thất thu thuế như đang diễn ra trong thời gian qua.