Muốn sớm có sân bay, các địa phương phải có nguồn vốn xã hội hóa

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có sân bay riêng là mong muốn chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, các địa phương phải đẩy mạnh thu hút vốn xã hội hóa nếu muốn sớm có sân bay cho riêng mình.

Hạ tầng hàng không đang quá tải trong thời gian gần đây.
Hạ tầng hàng không đang quá tải trong thời gian gần đây.

Phong trào xin xây dựng sân bay dân dụng mới hoặc chuyển sân bay quân sự hiện có thành sân bay lưỡng dụng của các địa phương nổi lên từ nhiều năm gần đây. Đây là nhu cầu chính đáng song muốn thực hiện các địa phương phải chủ động được nguồn vốn đầu tư. Xã hội hóa, huy động nguồn lực tư nhân là con đường duy nhất để các tỉnh, TP hiện thực hóa nhu cầu này.

Phát triển hạ tầng hàng không là cần thiết

Trong những năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam khoảng 18%. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới  và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á .

Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không, trong đó một số cảng hàng không  quá tải. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam đang khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không tại các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước và ngân sách Trung ương cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu. Do đó, ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo…

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn đang khó khăn như hiện nay, trong khi nhu cầu có sân bay của các địa phương vẫn rất lớn thì việc huy động nguồn vốn xã hội hóa gần như là con đường duy nhất. Và, trách nhiệm này cần được giao về cho các địa phương.

Tỉnh nào muốn sớm có sân bay thì tỉnh đó phải đẩy mạnh công tác huy động vốn xã hội hóa. Đó chính là áp lực nhưng cũng là động lực để các địa phương hiện thực hóa mong muốn có sân bay. Bên cạnh đó, để thu hút xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, sân bay cần phải có các cơ chế, chính sách thông thoáng và trải thảm hút vốn tư nhân.

Nhằm hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không, hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Chính phủ chủ động quyết định mức vốn tham gia của Nhà nước tham gia từng dự án. Đề án nếu được thông qua, sẽ vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định, vừa có tính đột phá cao để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không.

Rất nhiều địa phương muốn có sân bay riêng.
Rất nhiều địa phương muốn có sân bay riêng.

Nhiều tỉnh muốn có sân bay

Trong văn mới đây bản báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các thành viên Tổ công tác của Chính phủ về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay, Bộ GTVT cho biết đã nhận được đề xuất của 10 tỉnh kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan làm việc với các địa phương, đánh giá sơ bộ khả năng hình thành sân bay tại các địa phương. Kết quả đánh giá cho thấy trong số 10 vị trí được các địa phương đề xuất quy hoạch sân bay, có 2 vị trí tại Hà Giang, Tuyên Quang không khả thi bố trí đường băng, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở.

Tuy nhiên các đơn vị đề xuất địa phương có thể nghiên cứu ở vị trí khác khả thi hơn. Còn 8 vị trí có khả năng bố trí đường băng, thiết kế phương thức bay nhưng phần lớn có sự xung đột và chồng lấn về vùng trời; một số vị trí cần có số liệu khảo sát, đánh giá cụ thể về tĩnh không và số liệu liên quan khác.

 

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hàng không là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là đã làm thì phải hiệu quả. Cho dù tiền đầu tư đó có thể của Nhà nước, có thể của tư nhân nhưng đều là nguồn lực của quốc gia. Mà muốn biết được có hiệu quả hay không, cần phải tính toán thật kỹ, chứ không phải cứ “muốn là đề xuất”, làm theo phong trào-  Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh

Đến nay Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 tỉnh về bổ sung quy hoạch sân bay mới. Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục tập trung quy hoạch sân bay Nà Sản trong quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc, quy hoạch sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng, phục vụ phát triển du lịch. 

Các tỉnh còn lại đều đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới và kiến nghị giao địa phương xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển sân bay dân dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho rằng, hiện các địa phương và nhà đầu tư đang rất lúng túng khi triển khai thủ tục thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện hữu. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng băn khoăn chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết triển khai như thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa đầu tư các nhà ga hành khách, hàng hóa tại các sân bay đang khai thác.

Do đó, theo chuyên gia Lương Hoài Nam, để thu hút xã hội hóa vào các sân bay, phải trải thảm mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đơn giản, không có những rủi ro cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia cảnh báo, việc đầu tư xây sân bay tại các địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng để tránh nguy cơ ế khách, thua lỗ.
Các chuyên gia cảnh báo, việc đầu tư xây sân bay tại các địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng để tránh nguy cơ ế khách, thua lỗ.

Tránh nguy cơ ế khách, thua lỗ

Các chuyên gia cho rằng, huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ là con đường duy nhất để các địa phương có sân bay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần phải có sự nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ để đảm bảo hiệu quả đầu tư và quan trọng nhất là tránh được tình trạng sân bay xây xong lại rơi vào tình trạng ế khách. Đây sẽ là sự lãng phí rất lớn.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho biết, câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây cảng hàng không, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém.

PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản. Hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được. 

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không bày tỏ băn khoăn trước nguy cơ các sân bay "ế khách" khi quy hoạch chưa tính đầy đủ, chi tiết về lượng khách dự kiến theo vùng dân cư một cách khoa học trên những thông số kinh tế - xã hội.

Theo vị chuyên gia này, mỗi sân bay cần làm một bài toán nghiên cứu khả thi về mặt kỹ thuật, đặc biệt về mặt tài chính, dự báo nhu cầu hành khách rõ ràng. Mỗi sân bay cần xác định vùng ranh giới địa lý và vùng dân cư cho sân bay đó, ví dụ như cần vẽ một "đường trung tuyến" giữa 2 sân bay để xác định vùng dân cư sử dụng sân bay đó. Quan trọng là vùng dân cư của sân bay, nếu không đông, đời sống không cao thì dù trong khoảng 100km, nhu cầu đi máy bay vẫn thấp.

“Cần phải báo động rằng, nếu đầu tư sân bay tại nơi không có dự báo nguồn khách tiềm năng sẽ khó huy động vốn tư nhân, còn vốn Nhà nước thì lấy đâu tiền mà làm. Trong khi đó, để thu hồi giải phóng mặt bằng sẽ tốn nhiều tiền và còn có thể dẫn tới kiện cáo về đền bù" – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.  

 

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND 5 tỉnh là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Lâm Đồng đề nghị các địa phương này tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không tại địa phương, cũng như hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.