“Cần” nhiều, “cá” ít!
Trong cái lạnh tê tái của ngày cuối năm, tại góc đường cạnh cầu Lủ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), nhóm lao động (phần lớn là người ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình) đứng nép vào nhau, nhẫn nại chờ việc. Dưới vỉa hè, xe lôi, cuốc xẻng… sẵn sàng chờ gọi.
Khi một phụ nữ vè vè trên chiếc xe máy Honda Lead trờ tới, cả đám người nhao nhao: “Bà chị cần gì, đào móng, phá bê tông hay dọn nhà?”. Quét ánh mắt dò xét, xăm xoi một lượt, người phụ nữ nọ chỉ vào gã trung niên cường tráng nhất đám, nói: "Phá mái tôn tầng 3, trong Thanh Liệt, diện tích 30m2, các bác muốn nhận khoán hay công nhật?" Không nhiều lời, Cường (quê Thanh Hóa) nhanh nhảu: "Quan trọng là bà chị cho chúng em đi thực địa, giá cả thì có khung cả rồi, bác yên tâm...". Nói rồi gã trai láu cá leo phắt lên xe, “thúc” bà chủ chạy đi xem chỗ làm; chừng 15 phút sau, gã tươi cười cưỡi xe ôm quay lại và thông báo với cả nhóm: "Công việc tốt, tôi nhận làm gọn “6 củ”, anh em đâu, khẩn trương lên đường!"
Nhóm lao động đến từ Thanh Hóa vừa đi, một tốp khác đã... "chiếm lĩnh" vị trí. Lân la trò chuyện một hồi, Hoàng (quê ở Ý Yên, Nam Định) kể: Sau khi xuất ngũ, gom chút vốn còm, Hoàng tậu con xe 3 bánh, bỏ nhà lên Hà Nội kiếm sống. Những lúc không chở hàng, ai thuê làm gì anh đều nhận, rồi gọi anh em cùng quê ra thuê nhà dưới làng Đại Kim, quận Hoàng Mai lập nhóm “thợ đụng”. Ai thuê gì làm nấy, từ đào móng, xúc đất, dọn vệ sinh, trồng cây, không từ việc gì.
Do chịu khó, lại thật thà nên nhóm của Hoàng đã tạo được “thương hiệu”; cuộc sống của cả nhóm dần dần được cải thiện. Sau mấy năm có mặt ở góc cầu chờ việc, Hoàng cho biết: "Mấy năm trước cứ đến thời gian này, việc làm không xuể. Việc đều nên cũng có tiền gửi về quê cho vợ sắm Tết. Nhưng năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc thì thưa hẳn. Có ngày không kiếm được đồng nào; anh em thiếu việc nên bỏ về quê phân nửa, số còn lại vẫn bám trụ, cố mưu sinh... Đã sắp “chạm Ngọ”, vẫn chưa có khách nào ngó ngàng; vươn vai vài cái, Hoàng giục Khánh về nấu mì chuẩn bị bữa trưa; còn anh vẫn cố chờ đợi thêm tí chút. “Hôm nay là đầu tuần, biết đâu trưa lại có khách” - Hoàng hy vọng.
Tết ở đâu?
Khi khắp các ngả đường Thủ đô đã nhuộm đỏ sắc đào, tại đầu cầu Mai Động – “thánh địa” của dân bán sức lao động, nhóm hơn chục người quê ở Thanh Hóa vẫn vật vờ chờ khách. Biết tôi là đồng hương, anh Hoàng Đình Việt (47 tuổi, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết: Có mặt ở đây gần chục năm, chưa năm nào anh thấy khó khăn như năm nay. Vào những năm trước kia, qua mùng 10 tháng Chạp là thời điểm nhiều việc nhất. Chỉ cần chăm chỉ, mỗi ngày kiếm tiền triệu không khó; giờ thì mỗi ngày kiếm vài chục nghìn đồng còn chả xong.
Đã hai hôm nay, nhóm của Việt mới kiếm được hơn triệu bạc. “Phòng trọ hơn 1 triệu đồng/tháng, chứa tới 6 anh em ở; công việc thì thất thường nên không nấu nướng, tiện đâu ăn đấy, có gì ăn nấy, lúc cái bánh mì chay, lúc gói mì tôm cho qua bữa” - Việt nói. Theo Việt, công việc của lao động tự do như anh không có mức thu nhập bình quân tháng. Số tiền kiếm được phụ thuộc vào người đến thuê. “Chuyển một cái tủ lạnh giá khác chuyển một cái tủ gỗ, chuyển mấy bao xi măng giá khác chuyển vài bao phế thải xây dựng. Cứ có khách thuê là anh em lên đường, không nề hà giờ giấc, không quản ngại khó khăn..." - Việt cho biết.
Dứt câu chuyện, một vị khách rà xe máy táp vào lề đường. Việt được cử ra làm “trưởng đàm phán”; nhưng sau mấy phút, anh thẫn thờ quay lại vì vị khách này chỉ lấy số điện thoại để liên lạc khi cần!. “Cứ đà này, anh em chúng tôi tính độ dăm hôm nữa là khăn gói về quê” - Việt buồn bã. Theo chân nhóm lao động về căn nhà trọ tồi tàn ẩm thấp ngay gần chợ Mai Động (quận Hoàng Mai); Lưu (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) dẫn chúng tôi vào trong căn gác ọp ẹp, tối thui, đặc mùi ẩm mốc rộng chừng 12m2, giới thiệu: “Đây là đại bản doanh của 6 anh em chúng tôi. Gia sản của mỗi người là một chiếc chiếu, cái chăn và vài bộ quần áo lao động. Chủ trọ thu mỗi người 300.000 đồng/tháng, điện chỉ dùng buổi tối đến 22 giờ thì cắt. Mùa hè thì hơi nóng chứ mùa đông thì ấm cúng lắm” - Lưu tếu táo.
Đang ăn dở hộp cơm, điện thoại Việt réo vang, quay sang đồng đội, anh thông báo: “Có việc rồi, có người thuê xử lý đống vữa trên phố Kim Ngưu, tiền công 2 triệu”. Chẳng dám kéo dài câu chuyện, người xẻng kẻ thúng – cả nhóm tắp lự lên đường. Trước lúc chia tay, Việt nói thêm: "Mọi năm giá này còn lâu chúng em mới nhận; nhưng năm nay đói quá, rẻ cũng phải làm. Ít ra cũng có tiền mua vé về quê. Tết thì đã đến với thiên hạ, nhưng với phận người như chúng em – nó còn xa lắm..."