Trong lịch trình dày đặc của Ngoại trưởng Mỹ Kerry, bên cạnh cuộc gặp với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki về tình hình chính trị, an ninh tại nước này, Ngoại trưởng Mỹ còn gặp Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi theo dòng Sunni, giáo sĩ hàng đầu của người Shi'ite Ammar al-Hakim và các quan chức Iraq khác. Ngoài chương trình nghị sự bàn thảo với lãnh đạo hàng đầu của các giáo phái, ông Kerry cũng thu xếp thời gian tới Arbil - thủ phủ của khu bán tự trị người Kurd để hội đàm với người đứng đầu khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki. Ảnh: AP
|
Giữa lúc, tình hình an ninh tại Iraq ngày càng xấu đi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ Iraq một cách "mạnh mẽ và liên tục" trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni thuộc ISIL. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là các nhà lãnh đạo Iraq có những bước đi cần thiết để giữ cho đất nước không bị chia cắt. Một trong những bước đi này, theo Ngoại trưởng Kerry là Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã nhiều lần khẳng định lại cam kết từ ngày 1/7 tới sẽ bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ mới, trong đó người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd sẽ được tham gia nhiều hơn. Ông Kerry cho rằng, Iraq đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt và tương lai của đất nước Vùng Vịnh này là tùy thuộc vào những lựa chọn của các nhà lãnh đạo Iraq trong những ngày tới.
Cùng ngày, đại diện Nhà Trắng cũng cho biết, trong một công hàm ngoại giao gửi Washington, chính quyền của Thủ tướng al-Maliki đã cam kết cho phép các binh lính thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ triển khai tại Iraq theo lệnh của Tổng thống Barack Obama được hưởng tất cả các quyền miễn trừ, gồm cả việc không bị bắt giữ hoặc xét xử theo luật pháp Iraq. Đây cũng là điều kiện Mỹ đặt ra năm 2011 nhưng Iraq không chấp nhận, dẫn tới quyết định của chính quyền Obama rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi cuộc chiến này, bỏ Iraq rơi vào cuộc chiến giáo phái suốt từ đó tới nay. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, thỏa thuận vừa đạt được giữa hai nước giúp cung cấp những đảm bảo pháp lý thích hợp để bảo vệ các quân nhân Mỹ trong khi thực hiện nhiệm vụ cố vấn tại quốc gia Trung Đông này. Đồng thời khẳng định, thỏa thuận trên sẽ giúp Mỹ nhanh chóng thành lập các đội cố vấn quân sự đầu tiên nhằm giúp các lực lượng của Iraq đối phó với các phiến quân người Sunni thuộc ISIL.
Công hàm của Thủ tướng al-Maliki chấp nhận những điều khoản khắt khe mà Mỹ áp đặt đã mở ra hướng giải quyết mới cho tình hình Iraq hiện nay nhưng không giống như hơn 10 năm trước dưới thời của người tiền nhiệm G.Bush, Tổng thống Obama buộc phải thận trọng hơn nhiều trước khi đưa ra quyết định can dự sâu hoặc có lựa chọn.
Thực tế, ông Obama đang đứng trước những lựa chọn khó khăn khi không thể khoanh tay nhìn ISIL phá hủy những nỗ lực của Mỹ suốt nhiều năm, nhưng lại không được làm trái cam kết tranh cử là tránh đưa quân đội trở lại Iraq. Nhà Trắng chắc chắn không muốn vì sự lỏng lẻo trong hợp tác về an ninh với Iraq mà để mất tầm ảnh hưởng tại Trung Đông khi Nga hay Trung Quốc luôn sẵn sàng là nhân vật thay thế trong cuộc chơi chính trị tại khu vực quan trọng này. Tuy nhiên, hơn 10 ngày sau khi Iraq “có biến”, ông Obama mới thông báo sẽ cử 300 cố vấn quân sự tới giúp Iraq cho thấy, Washington vẫn đang lựa chọn phương án can dự có trọng điểm tại quốc gia Trung Đông này.
Trong cuộc điện đàm hôm 24/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động tại Iraq của ISIL. Ông Putin tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Baghdad trong cuộc đấu tranh chống các phần tử Hồi giáo cực đoan và thiết lập hòa bình an ninh đất nước. |