Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ sẽ vượt Nga trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm 2019

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại Tokyo (Nhật Bản), Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, việc Mỹ vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất trên thế giới “chắc chắn diễn ra vào năm 2019”.

Theo IEA, Mỹ sẽ vượt Nga để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới muộn nhất là vào năm 2019 trong bối cảnh sự bùng nổ của dầu đá phiến ở Mỹ đang gây chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo IEA, Mỹ sẽ vượt Nga để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới muộn nhất là vào năm 2019.
“Tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến ở Mỹ là rất mạnh và việc Mỹ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu sẽ là rất sớm”, ông Birol nói với hãng tin Reuters.
Hồi cuối năm 2017, sản lượng dầu thô của Mỹ vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ thập niên 70, cao hơn Ả Rập Saudi.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của nước này sẽ vượt mốc 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Điều này sẽ giúp Mỹ vượt mặt cả Nga - hiện đang là nước sản xuất dầu nhiều nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông Birol dự báo sản lượng Mỹ sẽ không chạm đỉnh trước năm 2020, song vẫn duy trì sản lượng ổn định trong vòng 4 - 5 năm tới.
Đà tăng liên tục của sản lượng dầu tại Mỹ đang gây áp lực đối với thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất lớn khác - dẫn đầu là Nga.
Việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của các thành viên trong và ngoài OPEC dù đã thành công trong việc tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu, nhưng lại tạo ra động lực để các nhà sản xuất khác đẩy mạnh sản lượng dầu.
Hiện ngày càng nhiều dầu của Mỹ được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng ở châu Á, qua đó giành mất thị phần của OPEC và Nga.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ giảm 1,6 triệu thùng/ngày xuống còn 4,98 triệu thùng/ngày trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ khi EIA bắt đầu theo dõi dữ liệu này từ năm 2001. Điều này cũng phản ánh phần nào việc OPEC đang dần đánh mất sức ảnh hưởng của mình.
Hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ trong thời gian gần đây.
Theo ông Fatih Birol, bên cạnh sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng mạnh, việc khai thác dầu cát tại Canada cũng tăng cao cùng với việc Brazil bắt đầu khai thác các mỏ dầu mới.
Nhận định về nhu cầu "vàng đen", IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ ở mức 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Trong phiên giao dịch sáng 28/2, hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI tương lai giảm 31 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 62.70 USD/thùng sau khi hạ 90 xu Mỹ. Hợp đồng dầu Brent tương lai cùng mất 40 xu Mỹ, khoảng 0,6%, xuống 66,23 USD/thùng. Giá dầu Brent đã giảm 87 xu Mỹ, xuống còn 66,63 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 27/2.