Mỹ thiệt hại thế nào với cải cách thuế của ông Trump?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch này sẽ khiến nguồn thu thuế của chính phủ Mỹ giảm 5.800 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong khi đó, nợ công hiện đang ở mức 20.000 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố gói cải cách thuế lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ, đề xuất cắt giảm thuế cho phần lớn người dân. Gói cải cách thuế này sẽ mang lại những thay đổi mang tính cách mạng và toàn diện nhất kể từ năm 1986, trong đó diện điều chỉnh bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân và thuế DN.
 Kế hoạch cải cách thuế của ông Trump đang gây ra lo ngại thâm hụt ngân sách.
Theo đề xuất mới, Mỹ sẽ hạ thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%; tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn; đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân. Đối với DN, dù không đề xuất giảm thuế xuống còn 15% như cam kết tranh cử, song Tổng thống Trump đề nghị áp thuế DN chỉ 20%, so với mức 35% hiện nay.
Tuy nhiên, bước đi này của Nhà Trắng gây ra nhiều lo ngại có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách liên bang. Nhiều nghị sĩ cho rằng, kế hoạch này còn quá ít chi tiết về việc làm thế nào để bù đắp lỗ hổng ngân sách khi các khoản thuế bị cắt giảm, cũng như chưa xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ hiện đang ở mức 20.000 tỷ USD.
Giới phân tích đã cảnh báo, việc cắt giảm thuế mạnh tay sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to nếu mức tăng trưởng kinh tế không như chính phủ kỳ vọng. Theo đánh giá của Ủy ban chịu trách nhiệm về ngân sách liên bang, thay vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kế hoạch này sẽ khiến nguồn thu thuế của chính phủ Mỹ giảm 5.800 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Kế hoạch giảm thuế do ông Trump đưa ra vẫn còn phải đưa ra Quốc hội để bàn thảo trước khi được thông qua thành luật, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng sau. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một đề xuất thiếu những chi tiết chính và ít thông tin sẽ vấp phải sự hoài nghi của các nhà lập pháp, thậm chí ngay trong đảng Cộng hòa. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ chắc chắn sẽ phản đối, bởi cho rằng kế hoạch này khiến thâm hụt ngân sách ở mức cao, có lợi cho người giàu thay vì những gia đình trung lưu, thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, kế hoạch cải cách thuế của ông Trump sẽ đem lại lợi ích cho các DN thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ, nhưng lại khiến các DN công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa bị mất lợi thế. Các DN này vốn tận dụng được lỗ hổng trong chính sách thuế hiện tại để giảm trừ mức thanh toán lãi suất, chi phí thiết bị và nghiên cứu, cũng như chuyển lợi nhuận cho các thực thể ở nước ngoài nơi có thuế suất thấp hơn.
Cơ chế hiện nay tạo điều kiện “né” thuế thuận lợi hơn cho DN “vàng đen”, như cho phép các công ty dầu khí giảm trừ thu nhập đóng thuế bởi mặt hàng này được liệt vào danh sách tài nguyên thiên nhiên. Theo kế hoạch cải cách của ông Trump, hầu hết các lỗ hổng trong hệ thống thuế vụ Mỹ sẽ được siết chặt, để đổi lại mức thuế suất DN thấp. Do đó, một khi được triển khai, chương trình cải cách của ông Trump sẽ không chỉ gây lo ngại thâm hụt ngân sách liên bang mà còn khiến các DN xăng dầu Mỹ nao núng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần