Động thái hiếm hoi này làm gia tăng nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại Mỹ. Các chuyên gia cho biết đây là vụ phá sản thứ tư của một thành phố tại Mỹ trong suốt ba thập kỷ qua, mặc dù những động thái như vậy thường phổ biến hơn tại các quận hay khu vực hành chính nhỏ của một bang. Ông Jame Spiotto thuộc hãng luật Chapman & Cutler, người giữ các bản sao hồ sơ đệ đơn phá sản cấp thành phố, cho biết vụ phá sản gần đây nhất là của thành phố Vallejo thuộc bang California vào năm 2008. Với dân số khoảng 50.000 người, Harrisburg hiện đang mắc nợ khoảng 310 triệu USD. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo nguy cơ xảy ra hàng loạt vụ phá sản cấp thành phố trong năm 2011 khi doanh thu từ thuế và bất động sản suy giảm trầm trọng cùng với suy thoái kinh tế cũng như sự không hiệu quả của gói kích thích trị giá 787 tỷ USD của chính quyền liên bang. Những nỗ lực của chính quyền Harrisburg nhằm tránh trở thành thành phố đầu tiên phải đệ đơn phá sản đã bị những chính sách như áp đặt giới hạn nợ của chính quyền địa phương cản trở. Thị trưởng Harrisburg, bà Linda Thompson đã kêu gọi thành phố tăng thuế và bán tháo các tài sản - được định giá từ 100-500 triệu USD theo liệt kê trong hồ sơ phá sản - để có tiền trang trải nợ nần. Ước tính riêng việc bán khoảng 8.000 cổ vật dự định dành cho một bảo tàng chưa được xây dựng có thể mang lại cho chính quyền thành phố khoảng 500.000 USD. Tuy nhiên, do lo ngại thành phố vốn chịu thiệt hại nặng nề bởi suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu hơn từ việc rao bán các tài sản, hội đồng thành phố đã lựa chọn giải pháp tuyên bố phá sản./.