Động thái này được dự báo là sẽ làm biến đổi hoàn toàn tính chất cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 3 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Theo một báo cáo không chính thức, ngay trong ngày thực hiện chiến dịch tiêu diệt IS đầu tiên trên lãnh thổ Syria, các máy bay của Jordan, Saudi Arabia, Bahrain, Qatar cùng Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất và Mỹ đã tiến hành ít nhất 50 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở các tỉnh Raqqa và Deir al-Zor, miền Bắc Syria và tiêu diệt được gần 50 tay súng của các lực lượng cực đoan. Lầu Năm Góc cho biết, các cuộc không kích đầu tiên do Mỹ phát động nhằm vào nhóm phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria cũng nhằm vào một tổ chức cực đoan khác đang âm mưu tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây. Trên thực tế, Mặt trận Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng là mục tiêu của chiến dịch không kích này ở Tây Bắc Syria.
Trong khi Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập hoan nghênh chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu chống
lại IS, đồng thời hối thúc tiếp tục gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Bộ Ngoại giao Syria cho biết, vài giờ trước khi cuộc không kích bắt đầu, Ngoại trưởng Syria đã nhận được một bức thư của người đồng cấp Mỹ thông qua Ngoại trưởng Iraq, trong đó thông báo Mỹ và một số quốc gia đồng minh sẽ tấn công mục tiêu IS ở Syria. Bộ Ngoại giao Syria cũng khẳng định, chính phủ nước này sẽ tiếp tục tấn công IS ở Raqqa và Deir al-Zor thuộc miền Đông và Bắc Syria - những khu vực là mục tiêu oanh kích của Mỹ và đồng minh hôm 23/9. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, mọi cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của IS trong lãnh thổ Syria cần phải được sự đồng ý của Damascus, nếu không sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Đáp trả lại động thái trên của Mỹ và đồng minh, một tay súng thuộc IS tuyên bố, nhóm này sẽ đáp trả các vụ không kích do Mỹ cầm đầu bên trong lãnh thổ Syria, đồng thời chỉ trích Ả Rập Thống nhất đã cho phép tiến hành những vụ oanh kích này. Tuyên bố này cùng những hành động gần đây của IS cho thấy, cam kết "làm suy yếu và phá hủy" lực lượng IS mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Máy bay tàng hình F-22 đã được sử dụng trong nhiệm vụ không kích IS tại Syria. Ảnh: Stocktrek
|
Trong cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc diễn ra hôm nay (24/9), Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất Liên Hợp quốc đưa ra một nghị quyết áp đặt lệnh cấm bay đối với các đối tượng bị cho là phiến quân nhằm giảm sự bành trướng của IS, hạn chế tổ chức này chiêu mộ thành viên nước ngoài và có thể trừng phạt những quốc gia không tuân thủ các quy định trên. |