Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2009: Kiều hối khó vượt 6 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về nước trong năm 2008 đạt 7,2 tỷ USD nhưng 6 tháng đầu năm 2009, con số này chỉ đạt 2,83 tỷ USD.

KTĐT - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về nước trong năm 2008 đạt 7,2 tỷ USD nhưng 6 tháng đầu năm 2009, con số này chỉ đạt 2,83 tỷ USD.

Nhiều ngân hàng thương mại không đạt hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu chi trả kiều hối. So với 2008, lượng tiền kiều bào chuyển về nước năm nay dự kiến giảm khoảng 20%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về nước trong năm 2008 đạt 7,2 tỷ USD nhưng 6 tháng đầu năm 2009, con số này chỉ đạt 2,83 tỷ USD (gồm cả lượng chuyển về trong Tết Kỷ Sửu 2009). Theo nhiều chuyên gia, dự báo kiều hối 2009 đạt 5,8 tỷ USD của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là hợp lý.

Theo Phó tổng giám đốc Vietcombank, Đào Minh Tuấn, lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng này tính đến hết tháng 11/2009 đạt gần 900 triệu USD. Tính cả năm, Vietcombank nhiều khả năng chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch chi trả 1,2 tỷ USD kiều hối.

"Kết thúc năm 2008, Vietcombank đã chi trả cho khách hàng 1,5 tỷ USD kiều hối nhưng trước những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu 1,2 tỷ USD cho năm 2009. Tuy nhiên, Vietcombank cũng phải rất nỗ lực trong những tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu này", ông Tuấn cho biết.

Tương tự như Vietcombank, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua Ngân hàng Đông Á cũng giảm khoảng 10% trong năm 2009. Theo ông Trịnh Hoài Nam, Phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, tổng chi trả cho khách hàng trong 12 tháng ước đạt 1 tỷ USD so với mức xấp xỉ 1,18 tỷ USD của cả năm 2008.

Cũng theo ông Nam, Công ty Kiều hối Đông Á chi trả trung bình khoảng 90 triệu USD mỗi tháng. Riêng tháng 12, con số này có thể tăng thêm một chút nhưng cũng chỉ ở mức 100 triệu USD.

Vietinbank, một trong số ít các ngân hàng cho thông báo tăng trưởng kiều hối cho biết cũng phải rất cố gắng mới có thể nâng con số 900 triệu USD của năm 2008 lên mức 1 tỷ USD cho năm nay. Trong đó, lượng chi trả trong 9 tháng đầu năm đã đạt 700 triệu USD.

Xét về thị phần, Vietcombank, Vietinbank và Đông Á hiện chiếm gần 50% tổng lượng chi trả kiểu hối tại Việt Nam. Như vậy, nếu 3 ngân hàng này cùng về đích đúng như dự kiến, tổng lượng kiều hối về nước trong năm 2009 cũng chỉ xấp xỉ mức 6 tỷ USD.

Theo ông Đào Minh Tuấn, với số lượng Việt kiều lớn cộng với điều kiện kinh tế tốt, Mỹ, Pháp, Australia và Canada vẫn là những nơi chuyển nhiều kiều hối nhất về Việt Nam. Trong khi đó, kiều hối từ các quốc gia như Nga, Đức... phần lớn về theo các kênh không chính thức. Lượng kiều hối này, theo đánh giá của ông Trịnh Hoài Nam, thường ngang bằng hoặc nhiều hơn so với lượng chuyển qua ngân hàng.

Cũng theo dự báo của ông Nam, kiều hối trong năm 2010 có xu hướng tăng trở lại do tác động từ sự phục hồi của kinh tế thế giới cũng như trong nước. Dấu hiệu của xu hướng này đã được nhìn thấy qua lượng kiều hối về nước những tháng gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều vào mức độ hấp dẫn của các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay tỷ lệ lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới.