Năm 2009: Nhiều người khóc dở mếu dở với vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bão tố không chỉ nổi trên thị trường vàng miếng mà nó còn hoành hành trên các sàn giao dịch và quật ngã không biết bao nhiêu nhà đầu tư non nớt, thiếu kinh nghiệm.

KTĐT - Bão tố không chỉ nổi trên thị trường vàng miếng mà nó còn hoành hành trên các sàn giao dịch và quật ngã không biết bao nhiêu nhà đầu tư non nớt, thiếu kinh nghiệm.

Thường được coi là kênh đầu tư an toàn do ổn định và giá tăng đều nhưng rất nhiều người dân và cả các doanh nghiệp đã khóc dở mếu dở với vàng trong năm 2009.

Sốc nặng

Đứng ngồi không yên khi thấy vàng tăng 400-500.000 đồng/ngày, thậm chí có lúc tới cả triệu đồng/lượng trong vài tiếng đồng hồ, chị Nguyễn Thị Loan, tại Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đôn đáo bỏ cả việc bán hàng chạy lên khu vực Trần Nhân Tông để mua cho bằng được vàng cho dù thị trường đang cháy hàng.

Ra về vào lúc gần trưa ngày 11/11 với một tờ giấy hẹn ngày mai đến lấy 10 cây vàng. Giá chốt cố định ở mức 29,15 triệu đồng/lượng. Chưa kịp mừng vì đã trút được gánh nặng tâm lý ôm tiền trong thời buổi “giá vàng chạy như ngựa”, thì chị bị sốc nặng khi nhận được tin, giá rớt một mạch xuống 26,4 triệu đồng/lượng chỉ sau lúc chị mua chưa tới 2 tiếng đồng hồ.

Giá vàng còn rớt mạnh trong một hai ngày sau đó và có lúc xuống dưới 25 triệu đồng/lượng.

Đó là những gì xảy ra trong đợt sốt vàng hồi giữa tháng 11/2009 - thời điểm đáng buồn đối với nhiều người, và có thể là đáng nhớ đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Không ít người rơi vào tình cảnh tương tự như chị Loan, hoặc nhẹ hơn một chút là mua không trúng đỉnh, ở dưới 29 triệu đồng/lượng. Đây là điều không có gì ngạc nhiên bởi trong những ngày đó thị trường luôn trong tình trạng cháy hàng, không có vàng miếng để bán ra. Các doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội bán ròng hàng nghìn lượng/ngày.

Măy mắn hơn là không thua lỗ, chị Nguyễn Thu Hiền ở Đội Cấn mua được vàng khá rẻ với giá dưới 17 triệu đồng/lượng từ hồi cuối năm 2008 và đã bán ra ở mức giá hơn 20 triệu đồng/lượng trong tháng 5 vừa qua.

Với mức giá này, chị đã có lãi kha khá nhưng nhìn lại thì cũng tiếc “hùi hụi” do vàng liên tục leo thang sau đó. So với số lãi ít ỏi mà chị đem tiền bán vàng vào gửi ngân hàng thì đây là một vụ làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, không chỉ những “nhà đầu tư” ít kinh nghiệm như chị Hiền, mà đến cả những đại gia sành sỏi trong nước cũng ngậm ngùi vì các thương vụ làm ăn kém hiệu quả của mình.

Ước tính trong 5 tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tới 70 tấn vàng khi mà giá thế giới dao động trong khoảng từ 870-980 USD/ounce, thấp hơn nhiều so với mức giá gần 1.200 USD/ounce trong tháng 11/2009 khi mà các doanh nghiệp quay trở lại nhập 6,8 tấn. Mặc dù, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách nhưng nỗ lực bán tới 70 tấn (cao hơn cả năm 2008) trong vài tháng đầu năm quả là một trong những sai lầm của các nhà đầu tư trong nước.

Ngã sấp mặt trên sàn

Bão tố không chỉ nổi trên thị trường vàng miếng mà nó còn hoành hành trên các sàn giao dịch và quật ngã không biết bao nhiêu nhà đầu tư non nớt, thiếu kinh nghiệm.

Những va vấp đầu tiên và thường thấy mà các nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt trong năm 2009 là hiện tượng “sập sàn”.

Lỗ thì thấy nhiều, hỏi ai hầu hết cũng cho biết thua lỗ trên các sàn giao dịch vàng và các nguyên nhân được đưa ra là do “thiếu thông tin”, “thiếu kinh nghiệm”, “không có thời gian bám bảng”, “giá không biết đường nào mà lần”… Nhưng khi mới chớm lãi và giá có biến động lên xuống mạnh thì cứ “không hẹn mà gặp” một số sàn lại “sập”, bán chốt lãi không được, mua đón đáy không xong.

Tình trạng này diễn đi diễn lại không chán và đã thực sự gây bất bình đối với nhiều nhà đầu tư.

Hiện tượng “sập sàn” chưa hết, thì các nhà đầu tư lại sứt đầu mẻ trán với cú “chạy giá” của các sàn vàng.

Tất cả xuất phát từ một quyết định khá quan trọng của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá USD/VND từ mức 17.900 lên 18.500 - một động thái nhằm dần xoá bỏ chênh lệch tỷ giá ngân hàng với thị trường tự do.

Điều đáng nói là tỷ giá chưa chính thức được áp dụng thì các sàn vàng đã nhanh chóng “chạy giá” trước làm cho không ít nhà đầu tư điêu đứng khi chỉ trong vài phút giá tăng hơn 1 triệu đồng/lượng.

Không ít nhà đầu tư nắm bắt và dự báo được thông tin nên thu được lợi nhuận không nhỏ. Nhưng số đông thiệt hại lớn. Hiện tượng này xảy ra cho dù trước đó, nhiều sàn vàng cam kết khống chế biên độ, tỷ giá niêm yết công khai theo tỷ giá liên ngân hàng.

Chưa hết sốc với các hiện tượng “xoay sở” của nhiều sàn vàng thì các nhà đầu tư lại nhận thêm một đòn knock-out là quyết định đóng cửa sàn vàng sau ngày 30/3.

Đây là quyết định mạnh tay nhất của Chính phủ. Nó nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà kinh doanh nhưng đây có thể là quyết định đúng đắn để dần xây dựng quy chế cho thị trường vàng ảo này.

Hiện tại, khá nhiều nhà đầu tư đã tất toán trạng thái sau khi đón nhận thông tin. Nhưng cũng có không ít người vẫn còn kẹt các lệnh mua và bán bị lỗ. Tất cả chỉ còn gần 2 tháng để các nhà đầu tư rời khỏi kênh đầu tư này.