Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2010: Cuộc chiến "trên mây" của các đại gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Google hé lộ tham vọng muốn có "miếng bánh" xứng đáng trong thị trường hệ điều hành cho máy trạm, trong khi Microsoft chống lại Google bằng cách đẩy mạnh hệ thống máy chủ và các ứng dụng "trên mây".

KTĐT - Google hé lộ tham vọng muốn có "miếng bánh" xứng đáng trong thị trường hệ điều hành cho máy trạm, trong khi Microsoft chống lại Google bằng cách đẩy mạnh hệ thống máy chủ và các ứng dụng "trên mây". 

Các nhà phân tích nhận định, đây thực sự là cuộc chiến sống còn của cả Google và Microsoft...

Google lấn sân

Sau rất nhiều đồn đoán, ngày 19.11, người khổng lồ Internet cũng đã vén bức màn bí mật về dự án hệ điều hành (HĐH) mới của mình có tên Chrome OS
. Mặc dù vẫn dựa một phần từ nhân Linux, nhưng Chrome OS được Google thiết kế đến mức tối giản: Chỉ có phần lõi và trình duyệt, tất cả sức mạnh xử lý tập trung vào các máy chủ trong hệ thống "đám mây" (cloud computing).

Với triết lý: Nhanh - đơn giản - an toàn, người dùng Chrome OS
sẽ không cần phải bận tâm máy tính đã được cài đặt những phần mềm nào, dữ liệu được bảo vệ ra sao... Tất cả đều được các máy chủ đặt tại các trung tâm dữ liệu khổng lồ đảm nhiệm. Việc của người dùng là bật máy tính và kết nối Internet.

Chuyện Google họp báo công bố dự án HĐH dành cho máy trạm (vốn là lãnh địa của Microsoft) được nhiều người xem là đòn trả đũa bởi trong 2 ngày trước đó, tại Hội nghị các nhà phát triển chuyên nghiệp, Ray Ozzie - kiến trúc sư trưởng của Microsoft cùng các diễn giả đã dành phần lớn thời gian để quảng bá Windows Azure - HĐH máy chủ của Microsoft cho các hệ thống "điện toán đám mây", cũng như tung ra hàng loạt nền tảng lập trình mới giúp xây dựng các ứng dụng trực tuyến chạy trên Azure.

Microsoft cũng "lên mây"

Để minh họa cho sự sẵn sàng, Microsoft đã giới thiệu một loạt các dịch vụ web đầu tiên vận hành trên nền tảng "điện toán đám mây". Từ dịch vụ khám phá bề mặt sao hỏa của NASA đến dịch vụ cung cấp tin tức theo yêu cầu của Hãng thông tấn AP. Tất cả đều vận hành với trên nền tảng "đám mây" Azure.

Bên cạnh đó, để giúp các nhà phát triển tạo ra các "ứng dụng trên mây", Microsoft giới thiệu 3 cái tên mới dành cho các nhà phát triển gồm công nghệ bảo mật Sydney; một nền tảng lập trình cung cấp dữ liệu hướng dịch vụ có tên Dallas và một tập hợp các thành phần phát triển ứng dụng cho Azure có tên AppFabric.

Thậm chí, cả chiếc cần câu cơm là bộ ứng dụng văn phòng Office 2010 cũng được Microsoft xây dựng theo hướng tận dụng thế mạnh của "điện toán đám mây" để phục vụ nhu cầu làm việc cộng tác thông qua việc kết hợp với các dịch vụ Windows Live, bộ ứng dụng trực tuyến Office Web Apps, kể cả việc tích hợp các mạng xã hội vào Outlook 2010...

Tất cả đã sẵn sàng


Theo Google, mã nguồn của Chrome OS đã chính thức được cung cấp trên Internet để các nhà phát triển cùng xây dựng. Tuy nhiên, Google sẽ không xây dựng Chrome OS độc lập để tải về cài đặt vào các máy tính sẵn có mà người dùng phải mua những thiết bị được cài đặt sẵn Chrome OS, tương tự như mua những chiếc điện thoại di động sử dụng HĐH Android. Theo kế hoạch, Chrome OS sẽ xuất hiện vào giữa năm 2010.

Riêng Windows Azure của Microsoft đã sẵn sàng và sẽ bắt đầu cung cấp vào đầu năm sau. Bản thử nghiệm đại trà của Office 2010 và các công cụ phát triển ứng dụng trên Azure cũng đã chính thức cung cấp cho mọi người tải về dùng thử.
Trước đó, IBM cũng đã chính thức vận hành một hệ thống "điện toán đám mây" mà theo đánh giá của Gartner, hệ thống này sẽ mang lại cho IBM doanh thu lên đến 3,4 tỉ USD.

Như vậy, cả 3 người khổng lồ của làng công nghệ đều đã chính thức tăng tốc cho các hệ thống "đám mây" của mình. Dự báo, 2010 sẽ là thời điểm căng thẳng của cuộc chiến giữa Google và Microsoft. Mỗi bên đều có thế mạnh riêng nên khó nói đến chuyện thắng thua. Có điều chắc chắn người dùng sẽ có lợi từ cuộc cạnh tranh này.

Chrome OS có gì lạ?

 3 điểm chính mà Google nhấn mạnh tại buổi họp báo giới thiệu Chrome OS ngày 19.11 gồm:

Tốc độ: Ấn tượng lớn nhất là Chrome OS
chỉ mất 7 giây để khởi động chiếc netbook EeePC của Asus nhờ thiết kế đến mức tối giản chỉ còn phần lõi (firmware) mà kèm theo một loạt các dịch vụ hay ứng dụng nền như các HĐH khác.

Đơn giản: Chrome OS đơn giản đến mức... không còn gì để "vọc". Sau quá trình khởi động, toàn bộ trách nhiệm sẽ được "bàn giao" lại cho trình duyệt. Tất cả ứng dụng đều là trực tuyến, mọi thao tác đều thực hiện thông qua trình duyệt.

An toàn: Người dùng cũng không cần phải quan tâm đến các vấn đề bảo mật như: Sao lưu, diệt virus,... bởi theo mô hình của Chrome OS thì ngay cả dữ liệu cũng được lưu trữ trên máy chủ tại các trung tâm dữ liệu khổng lồ. Trong khi đó, các ứng dụng đều trực tuyến nên việc cập nhật các bản vá lỗi (nếu có) cũng được thực hiện từ máy chủ.

Bên cạnh đó, Chrome OS cũng làm nổi lên một số thắc mắc từ phía người dùng.

Liệu Chrome OS có dùng được vào việc gì?

Theo Google, HĐH này có thể làm bất cứ công việc nào miễn là có người phát triển ứng dụng đó trên web (ảnh). Từ các ứng dụng văn phòng như Google Docs hay Office Live Apps của Microsoft đến việc giải trí với các dịch vụ phim, nhạc trực tuyến như YouTube, Hulu hay các ứng dụng bản đồ, chỉnh sửa ảnh 3 chiều

Năm 2010: Cuộc chiến "trên mây" của các đại gia - Ảnh 1
Các ứng dụng của HĐH chạy trên trình duyệt Web

Phần cứng nào có thể chạy được Chrome OS?

Chrome OS không hỗ trợ các đĩa cứng cơ học mà chỉ chạy trên các ổ đĩa thể rắn (SSD). Ngoài ra, Chrome OS cũng không có sẵn để bạn tải về mà nó được tích hợp sẵn vào các máy tính lúc xuất xưởng.

Cuối cùng, ai sẽ dùng Chrome OS?

Bất kỳ ai với nhu cầu sử dụng máy tính như một thiết bị truy cập Internet toàn thời gian. Hiện, Chrome OS hỗ trợ Wifi tốc độ cao chuẩn 802.11n nhưng chưa hỗ trợ truy cập Internet thông qua các mạng di động. 

.