Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2010: Điều hành kinh tế sao cho ổn?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2010 được nhận định là sẽ lạc quan hơn với đà đi lên của nền kinh tế.

KTĐT - Năm 2010 được nhận định là sẽ lạc quan hơn với đà đi lên của nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ không nên đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu mà quan trọng là phải chống được lạm phát và đảm bảo cân đối vĩ mô nền kinh tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay chúng ta cứ loay hoay chạy theo các mục tiêu tăng trưởng nhưng rốt cục lại phải “trả giá” bằng những lần khủng hoảng. Muốn dẹp bỏ những bất ổn trong nội tại nền kinh tế thì cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Tăng trưởng chưa phải là mục tiêu hàng đầu

           
Ông Thiên đặc biệt lưu ý đến vấn đề tương quan tỷ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ (NDT), trong khi USD vẫn ở mức giá thấp thì Trung Quốc cũng đang cố gắng kìm giữ đồng NDT không tăng. “Đây là một trong những điểm bất ổn của nền kinh tế thế giới trong năm nay” - ông Thiên nhận định.


Quay trở lại với vấn đề cơ cấu kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại cơ cấu kinh tế nước ta đã và đang tồn tại quá nhiều bất ổn. “Năm 2008, cơ cấu sai lầm được ngụy trang bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu nên nhiều người ngỡ rằng chúng ta yếu đi chỉ là vì chịu tác động từ bên ngoài. Nếu cơ cấu của ta không thay đổi thì liệu nền kinh tế có thể tiếp tục đi lên được không?”.

           
Chia sẻ quan điểm này, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) kiến nghị, Chính phủ cần nhìn lại vấn đề và mục tiêu tăng trưởng. Cách đây 10 năm, kinh tế thế giới và Việt Nam cũng đã trải qua khủng hoảng, khủng hoảng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà còn xảy ra trong lĩnh vực xã hội, môi trường… Sau mỗi lần khủng hoảng, Chính phủ cần nhìn lại các mục tiêu, rà soát lại cơ cấu.

           
Năm 2010 được các chuyên gia cho là năm kinh tế Việt Nam cần phải có những cải cách mạnh mẽ, song đáng tiếc đến giờ vẫn chưa thấy có bất kỳ động thái nào từ phía các nhà làm chính sách. “Điều này có thể khiến những điểm yếu kém trong cấu trúc nền kinh tế có cơ hội để phát tác khiến nền kinh tế có thể gặp nhiều rủi ro hơn trước” - ông Thiên cảnh báo.


Nhất quán giữa mục tiêu và chính sách

           
Câu chuyện điều hành chính sách kinh tế sao cho hài hòa, hợp lý không thắt chặt mà cũng không quá nới lỏng lâu nay vẫn là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý kinh tế. Khi nào điều hành theo luật, khi nào điều hành theo tình thế? Can thiệp của chính sách vĩ mô trong giai đoạn khủng hoảng và rút lui khỏi khủng hoảng như thế nào là phù hợp? Cung ứng và thắt chặt tiền tệ ra sao để thị trường tài chính không bị chao đảo?...

           
Theo TS Võ Trí Thành, đối với một nền kinh tế có mức độ đô la hóa cao như ở Việt Nam thì việc thống nhất các chính sách tài khóa và tiền tệ là không dễ, đây chính là kẽ hở để các nhà đầu cơ tài chính hoạt động. Thêm vào đó, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng có vấn đề, nợ nước ngoài tăng nhanh. Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ đã sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính nên đã đặt nền kinh tế hiện tại vào một trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” với sự mất cân đối kinh tế khá trầm trọng.

           
Diễn biến kinh tế trong những năm qua cho thấy, nếu ban hành và thực hiện chính sách ngay lập tức có thể khiến thị trường bị “sốc” nhưng bù lại cách điều hành này có thể giúp thị trường được vực dậy nhanh chóng. Còn nếu chính sách được triển khai một cách chậm rãi, từ từ thì dù tránh gây “sốc” cho thị trường song lại không giúp ổn định được kỳ vọng của thị trường. Do vậy, vấn đề mấu chốt là Chính phủ phải cam kết đảm bảo tính nhất quán và minh bạch giữa mục tiêu và chính sách trên thị trường tài chính, có như vậy mới ổn định được niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư. Đó là khuyến nghị của ông Thành.

           
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung (CIEM), nếu chú trọng vào các chính sách vi mô, cải thiện chính sách vi mô thì sẽ củng cố được các chính sách vĩ mô. Chính phủ nên loại bỏ các chính sách bao cấp, trợ cấp, bảo hộ… để ổn định được kỳ vọng của thị trường. Là chuyên gia tâm huyết với Đề án 30 của Chính phủ, ông Cung lưu ý cách thức điều hành chính sách kinh tế cần phải hạn chế tối đa việc sử dụng biện pháp hành chính.

           
Trong vòng 4 năm (2005 - 2008), chúng ta đã ban hành 9.000 công văn có bao hàm nội dung của quy phạm pháp luật. Số này nhiều gấp 3 lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước cộng lại (!). “Điều đó thể hiện sự lạc hậu của cơ chế so với sự phát triển của thị trường. Nếu như không thay đổi thể chế và nâng cao năng lực điều hành thì chúng ta sẽ luôn chạy sau thị trường và ngày càng can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính” - ông Cung chỉ rõ.