Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2011, GDP cả nước ước tăng 5,89%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình hình kiềm chế lạm phát có tín hiệu khả quan, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2011 tăng 0,53% so với tháng 11 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,38% và 1,98% của cùng kỳ năm 2009 và năm 2010).

Ngày 29/12/2011, Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố số liệu “Thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2011”.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 ước tính tăng 5,89% so với năm 2010 và tăng đều trong cả ba khu vực, trong đó quý I tăng 5,57%; quý II tăng 5,68%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,10%.

Mặc dù, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010, nhưng trong điều kiện tình hình sản xuất rất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng trên là khá cao và hợp lý.

Cụ thể, trong 5,89% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, đóng góp 2,32 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,99%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, thống kê cho thấy, giá trị sản xuất xây dựng năm 2011 theo giá thực tế cả nước ước tính đạt 676,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm khu vực Nhà nước đạt 119,6 nghìn tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 529.400 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 27.400 tỷ đồng.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 877.900 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2010 và bằng 34,6% GDP (loại trừ yếu tố tăng giá thì vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện năm 2011 bằng 90,6% năm 2010).

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2011 ước tính đạt 178.000 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với năm 2010.

Đối với, khu vực tài chính, tiền tệ, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 ước tính đạt 674.500 tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm và tăng 20,6% so với năm 2010 (mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 11 của Chính phủ là tăng 7-8%). Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2011 ước tính 796.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,9% GDP (kế hoạch đề ra là 5,3%).

Tổng phương tiện thanh toán năm 2011 ước tính tăng 10% so với tháng 12/2010 (kế hoạch là 15-16%), tổng dư nợ tín dụng tăng 12% (kế hoạch là dưới 20%).

Tình hình kiềm chế lạm phát có tín hiệu khả quan, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2011 tăng 0,53% so với tháng 11 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,38% và 1,98% của cùng kỳ năm 2009 và năm 2010). Tuy nhiên, CPI tháng 12/2011 so với tháng 12/2010 tăng 18,13%. Tổng hợp CPI bình quân năm nay tăng 18,58% so với bình quân năm 2010.

Về chỉ số giá vàng tháng 12/2011 giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 24,09% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2011 tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2010.

Một số vấn đề về đời sống xã hội cho thấy, dân số trung bình cả nước năm 2011 ước tính 87,84 triệu người, tăng 1,04% so với năm 2010. Nam giới chiếm 49,5% tổng dân số cả nước, tăng 1,1%; nữ giới chiếm 50,5%, tăng 0,99%. Dân số khu vực thành thị là 26,88 triệu người, chiếm 30,6% tổng dân số cả nước, tăng 2,5% so với năm 2010, dân số khu vực nông thôn 60,96 triệu người, chiếm 69,4%, tăng 0,41%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2011 là 2,27%, trong đó khu vực thành thị là 3,6%, khu vực nông thôn là 1,71% (năm 2010 các tỷ lệ tương ứng là: 2,88%; 4,29%; 2,30%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2011 là 3,34%, trong đó khu vực thành thị là 1,82%, khu vực nông thôn là 3,96% (năm 2010 các tỷ lệ tương ứng là: 3,57%; 1,82%; 4,26%).

Mặc dù năm 2011 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương nên nhìn chung đời sống đại bộ phận dân cư có những cải thiện. Thiếu đói giáp hạt ở khu vực nông thôn đã giảm 21,7% về số hộ và giảm 14,6% về số nhân khẩu thiếu đói so với năm 2010.

Riêng công tác an sinh xã hội và giảm nghèo đã được chú trọng quan tâm. Trong năm 2011, Chính phủ đã phân bổ 2740 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 550 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho 62 huyện nghèo trên cả nước./.

Linh Chi (Vietnam+)