Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2012 - “Cửa hẹp” với doanh nghiệp!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bức tranh kinh tế thế giới 2012 được các chuyên gia phác họa với nhiều sắc màu u ám, kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi suy giảm chung. Khó khăn nhưng không phải không có những khe "cửa hẹp" để doanh nghiệp (DN) và hàng hóa Việt lách qua.

Lạm phát đang “bào mòn” thị trường
 

Tại Hội thảo "Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012", TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cùng nhiều chuyên gia đều cho rằng, thâm hụt ngân sách, nợ công tăng quá mức tại các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản đang đe dọa tới sự ổn định của kinh tế thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Những khó khăn này sẽ trực tiếp tác động đến thị trường bán lẻ Việt Nam vốn đã ốm yếu sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng từ chỉ số lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá VND/USD và giá vàng biến động…

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C, hệ lụy lạm phát của Việt Nam quá cao, "bào mòn" sức mua của người dân, thêm vào đó xu hướng tiết kiệm cũng tác động đến tiêu dùng. Do đó, khả năng tăng trưởng tiêu dùng 2012 là rất khó khăn.

 Bảng xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) của AT Kearny đánh giá, năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới đối với các nhà phân phối nước ngoài. Nhưng đến 2010 thứ hạng này đã xếp thứ 14. Giải thích về sự giảm sút này, TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân do yếu tố quản lý và những rào cản mà các nhà phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam chứ không phải do yếu tố cung cầu thị trường. Còn ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, tình trạng gian lận, sản xuất hàng giả, hàng nhái hiện rất đáng báo động, năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 500.000 vụ xuất, lưu thông hàng giả, có nhiều sản phẩm hàng giả chiếm đến 60 - 70%. Buôn lậu, buôn bán hàng cấm thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới, các tuyến giao thông huyết mạch ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, làm rối loạn thị trường nội địa.

Làm gì để đứng vững trong “vòng xoáy”?

Dự báo tình hình kinh tế 2012 và các năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn, trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ sẽ tập trung tái cấu trúc nền kinh tế với 3 lĩnh vực quan trọng là tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công; tái cơ cấu DN, trọng tâm là DN nhà nước, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Còn về phía DN, để tự đứng vững trên thị trường nội địa, yêu cầu đặt ra với từng DN phải tái cơ cấu, rà soát lại mình để tìm ra những yếu kém nội tại, từ đó có hướng khắc phục sửa chữa. Nâng cao chất lượng hàng hóa, hệ thống phân phối dịch vụ trong nước đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đánh giá của Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công Thương, giá trị hàng hoá được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm khoảng 15% - 20%, khoảng 40% qua hệ thống chợ truyền thống, còn lại thông qua hơn 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ, đường phố thương mại.

Gần đây một số hãng, thương hiệu có uy tín đã có ý thức xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng số DN đó còn quá nhỏ so với thị trường nội địa. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại hệ thống phân phối từ đó đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Bên cạnh đó, DN cũng cần am hiểu hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước từ đó cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, có như vậy thì hàng Việt mới có được vị trí ở thị trường nội địa.q

Nền kinh tế không thể lùi thêm được nữa, mà phải có bước ngoặt. Quan trọng nhất, phải kiềm chế được lạm phát, nhưng phải xác định hạ lạm phát đến mức nào đủ để DN không bị phá sản.

TS. Trần Đình ThiênViện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam