Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2014, chấm dứt tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Qua đó cho thấy, tại nhiều nơi, vẫn còn số lượng khá lớn thông tin chưa được xử lý, tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn xảy ra.

Năm 2014, chấm dứt tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp - Ảnh 1
Hầu hết các trường hợp chậm thời hạn là do kết quả tra cứu, xác minh thông tin tại cơ quan công an thường chậm so với quy định. Cụ thể, tỷ lệ cấp phiếu chậm thời hạn tại các tỉnh như: Quảng Ngãi là 86%; Quảng Nam 60%, Hòa Bình 50%". Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục Trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an để làm rõ hơn về vấn đề này.

Luật Lý lịch tư pháp đã được triển khai hơn 3 năm, nhưng vẫn xảy ra tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp quá thời hạn quy định với tỷ lệ khá cao ở nhiều tỉnh. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Theo tôi, Luật Lý lịch tư pháp đã được triển khai nhưng chúng ta vẫn thực hiện bằng công văn hành chính nên làm cho thời gian xử lý kéo dài. Ví dụ, khi Sở Tư pháp nhận được yêu cầu của người dân, lại gửi công văn sang công an tỉnh, công an tỉnh lại gửi kết quả đó đi các tỉnh khác để xác minh thông tin nếu người đó cư trú ở nhiều nơi. Như vậy, có nhanh cũng phải mất đến 3 - 4 ngày, chính vì thế đã kéo dài thời gian xử lý cho người dân. Nếu như vẫn tiếp tục sử dụng con đường công văn như hiện nay thì chưa thể chấm dứt tình trạng cấp lý lịch tư pháp chậm thời hạn so với quy định được.

Có ý kiến cho rằng, cán bộ cố ý kéo dài thời gian xử lý để nhũng nhiễu người dân. Liệu có tình trạng này không, thưa ông?

- Về vấn đề này chưa có thông tin chính thức, nhưng theo kinh nghiệm trong quản lý nhiều năm đã có tình trạng người dân vì muốn nhanh được xử lý cấp phiếu mà có hành vi tiêu cực. Cách làm này không có lợi cho người dân, đồng thời cũng dễ tác động, phát sinh tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông, để giải quyết tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng như giảm thiểu tiêu cực chúng ta phải thực hiện biện pháp gì?

- Theo tôi, ngành công an và tư pháp nên có thống kê liên ngành, ghi rõ đã nhận bao nhiêu hồ sơ, ngày tháng nhận và thời gian trả hồ sơ? Làm rành mạch như vậy thì các cơ quan liên quan sẽ không thể viện cớ là chưa nhận được kết quả mà phải giải quyết ngay cho công dân theo quy định. Ngoài ra, quan điểm của tôi là phải ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Trước đây, quy trình thẩm định lý lịch rất phức tạp, nhưng hiện nay thông qua hệ thống mạng đã đơn giản hơn rất nhiều. Về phía ngành công an đã cơ bản làm xong dữ liệu quốc gia về giấy Chứng minh nhân dân (CMND). Khi cần tra cứu lý lịch tư pháp của người nào chỉ cần scan CMND của người đó gửi cho cơ quan công an, nếu CMND giả sẽ bị phát hiện ngay. Vừa qua, C53 cũng đã có văn bản hướng dẫn Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cấp tỉnh gửi yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua email và hướng dẫn tiếp nhận thông báo kết quả tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp qua thư điện tử. Sang năm 2014, chúng tôi cương quyết chấm dứt tình trạng này, dứt khoát không để chậm hồ sơ. Ở tỉnh nào phản ánh tình trạng xử lý thông tin chậm thì gửi thẳng cho Cục Hồ sơ điều tra, chỉ cần đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ, Cục sẵn sàng tiếp nhận và trả lời ngay, không để chậm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của công dân.

Xin cảm ơn ông!