Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2019 sẽ đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 15/10, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đánh giá chung tình về hình kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt.
 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh:Quochoi.vn
 Về các kết quả cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người. Năng suất lao động đạt khá. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7-3%. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán; tổng chi cân đối ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP. bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 57% GDP.
Ngoài ra, cơ cấu lại nền kinh tế dần đi vào thực chất, đúng hướng. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới duy trì ở mức cao, vốn đăng ký tăng mạnh. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhất là nâng cao ý thức xã hội về bảo vệ môi trường. Cải cách hành chính, tư pháp được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, trong năm 2019 với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã tăng cường công tác điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và khó khăn, thách thức như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu thu NSNN chưa bền vững; còn xảy ra thất thu, trốn thuế. Khu vực nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu; giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Nhiều ngành công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào đầu vào nhập khẩu…
Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Có nơi còn thiếu tinh thần quyết tâm, chậm đổi mới, chưa dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động; vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn bị buông lỏng, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.