KTĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020" với mục tiêu đến năm 2015, số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư là 400 người và tăng lên 1.000 người vào năm 2020; trong đó có 150 luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế.
Đến năm 2015, mỗi tập đoàn kinh tế của Nhà nước có ít nhất từ 2 - 3 cán bộ pháp chế được đào tạo theo Đề án này.
Bên cạnh đó, phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng hình thành các công ty luật chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu.
Thực trạng đội ngũ luật sư Việt Nam hiện nay
Theo kết quả khảo sát phục vụ Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tính đến năm 2009, trong cả nước đã có 62 Đoàn luật sư (tỉnh Lai Châu chưa có), với hơn 5.000 luật sư, 2.000 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong gần 1.500 tổ chức hành nghề luật sư. Trong gần 7 năm (2001-2008), số lượng luật sư đã tăng 250% so với trước khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực. Số luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên được nâng từ 59% (năm 1989) lên 96,95% (năm 2008). Số luật sư đã qua đào tạo nghề chiếm 65,8% tổng số luật sư của cả nước. Về trình độ tin học, số luật sư có kiến thức cơ bản về tin học, có thể sử dụng các phần mềm quản lý, truy cập, tìm kiếm thông tin trên mạng chiếm đến 86%.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trong 4 năm (2005 - 2008), các luật sư đã tham gia tố tụng hơn 60.000 vụ án hình sự, 30.000 vụ việc về dân sự, gần 2.000 vụ việc về kinh tế, 800 vụ việc về lao động, 1.000 vụ việc về hành chính; gần 90.000 vụ việc về tư vấn pháp luật, 25.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác.
Tuy nhiên, so với nhu cầu về dịch vụ pháp lý hiện nay và xu thế gia tăng nhanh của nhu cầu này trong những năm tới, thì số lượng luật sư ở nước ta còn chưa tương xứng. Nếu so sánh số lượng luật sư trên số dân với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì thấy rõ tỉ lệ này ở nước ta còn quá thấp (tỷ lệ số luật sư trên dân số ở Việt Nam là 1 luật sư/hơn 17.000 người dân, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, ở Singapore là 1/1.000, Nhật Bản: 1/4.546, Pháp: 1/1.000 và ở Mỹ là 1/250 v.v...). Thậm chí tỉnh Lai Châu chưa có đủ luật sư để thành lập Đoàn luật sư. Mặt khác, số lượng luật sư ở nước ta phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du, hạn chế khả năng cung ứng dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Ngoài ra, số lượng luật sư đáp ứng đầy đủ tiêu chí của luật sư hội nhập kinh tế quốc tế còn rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát đánh giá nhu cầu dịch vụ pháp lý và thực trạng luật sư trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện năm 2008, chỉ có 1,2% số luật sư có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán và tranh tụng trực tiếp bằng tiếng Anh.
Thêm vào đó, số luật sư hành nghề chuyên về lĩnh vực thương mại vẫn còn trong giai đoạn hình thành, chỉ chiếm 7,9%, trong đó lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư này là tư vấn các vấn đề về công ty. Trong tổng số 1.500 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, chỉ có khoảng 15 tổ chức được thị trường quốc tế biết đến trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, điểm hạn chế lớn nhất của luật sư Việt Nam hiện nay là khả năng tham gia tranh tụng trong các vụ án có yếu tố nước ngoài. Có rất ít luật sư có khả năng tham gia các vụ án này. Thực tiễn cho thấy, đối với phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải thuê luật sư nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thí điểm thành lập Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế
Để khắc phục các hạn chế trên, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Đề án đặt ra mục tiêu tập trung nâng cao năng lực đào tạo trong nước đối với luật sư theo các chương trình chuẩn quốc tế và khu vực.
Ngay trong năm nay sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập thí điểm Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Úc... tại cơ sở đào tạo nghề luật sư của Bộ Tư pháp.
Dự kiến từ 2010-2011 sẽ thành lập Trung tâm đào tạo liên kết tại Học viện Tư pháp, sang giai đoạn 2015-2020 sẽ thành lập Trung tâm đào tạo liên kết tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích thành lập Trung tâm đào tạo liên kết tại các tổ chức hành nghề luật sư có đủ năng lực.
Đối tượng đào tạo tại các Trung tâm nay là luật sư đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp, người tập sự hành nghề luật sư, các giảng viên của các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư và sinh viên luật xuất sắc, thạc sỹ luật, tiến sỹ luật và các đối tượng khác đáp ứng điều kiện tuyển chọn...
Song song với việc đào tạo trong nước, Đề án cũng sẽ đẩy mạnh việc lựa chọn, gửi luật sư đi đào tạo tại các nước có nền tư pháp và pháp luật phát triển để hình thành đội ngũ luật sư nòng cốt phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, sẽ xây dựng và thực hiện chính sách thu hút công dân Việt Nam có Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước ngoài trở thành luật sư Việt Nam; chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài là luật sư tham gia vào các hoạt động tư vấn, tranh tụng thương mại quốc tế của Việt Nam.
Kinh phí triển khai thực hiện Đề án được bảo đảm thực hiện bằng ngân sách nhà nước, ước tính khoảng 168 tỷ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ học phí cho học viên tham gia đào tạo ước tính là 108 tỷ đồng.
Việc phát triển đội ngũ luật sư có đủ các tiêu chí đáp ứng yêu cầu hội nhập sẽ giúp cho Chính phủ và các doanh nghiệp trong tư vấn thực hiện các giao dịch quốc tế và tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế, hạn chế rủi ro trong quan hệ với đối tác nước ngoài, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh.