Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng khoảng 3-4%

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương dự báo, từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng trong quý IV. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).

Thông tin từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung của cả nước.

Cụ thể, nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế. Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào cáchàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.

 Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại siêu thị Big C Hà Đông. Ảnh: Ánh Ngọc 

Dự báo về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).

Do đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.

Cùng với đó, tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.

Đặc biệt, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.

Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các DN tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.