Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nắm bắt tốt thời cơ

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đang là một trong 3 địa bàn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, mang lại những cơ hội to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tác động trực tiếp vào thị trường BĐS công nghiệp nói riêng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Đức Tuyên - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho rằng, Hà Nội cần phải nhanh chóng nắm bắt để biến cơ hội trở thành hiện thực.
Ông có đánh giá thế nào về kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Hà Nội trong những tháng đầu năm 2019?
- Từ đầu năm đến nay, Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Cá nhân tôi không thấy bất ngờ với kết quả này vì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai luôn là những địa bàn đứng đầu về thu hút FDI. Vấn đề nằm ở chỗ, Hà Nội đã có sự cải thiện mạnh mẽ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Chỉ số PCI năm 2018 của Hà Nội đã tăng 4 bậc so với năm 2019 và lọt vào top 10 tỉnh, TP đứng đầu về chỉ số này. Thêm vào đó, một yếu tố vô cùng quan trọng là điều kiện về hạ tầng của Thủ đô đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư từ nhiều năm nay. Quá trình đô thị hóa lại càng giúp cho hạ tầng được hoàn thiện, hiện đại nên các nhà đầu tư yên tâm hơn khi rót vốn vào đây.
Ngoài ra, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại của các cường quốc, khiến cho việc dịch chuyển nhà máy, công xưởng của các tập đoàn lớn hướng về Việt Nam - quốc gia có sự ổn định, hòa bình. Theo tôi, kết quả này phản ánh đúng với những nỗ lực của Hà Nội trong những năm gần đây.
Việc đứng đầu về thu hút vốn đầu tư FDI sẽ mang đến những cơ hội gì cho lĩnh vực BĐS của Thủ đô, thưa ông?
- BĐS là lĩnh vực đầu tiên “cảm nhận” được sự tích cực từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư đến, họ cần chỗ để xây dựng nhà máy sản xuất, địa điểm đặt văn phòng làm việc - điều hành, nơi ở cho các chuyên gia, người lao động, nơi vui chơi - giải trí - mua sắm... Tổng hòa tất cả các nhu cầu đó, khi nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã mang lại những cơ hội to lớn cho thị trường BĐS, chứ không phải chỉ đăng ký đầu tư vào các dự án BĐS mới giúp cho thị trường này khởi sắc.
Ví dụ, nếu khách du lịch đến nhiều chỉ kéo theo các sản phẩm BĐS du lịch - nghỉ dưỡng thôi. Nhưng đầu tư nhiều vào các khu, cụm công nghiệp sẽ kéo theo tất cả các sản phẩm của thị trường BĐS phát triển, từ văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại, đến căn hộ du lịch - nghỉ dưỡng, resort...
Theo ông, Hà Nội cần phải làm gì để có thể tận dụng tối đa cơ hội này?
- Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê thì thấy kết quả rất khả quan, nhưng theo đánh giá của tôi, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, cần phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bởi dù chỉ số năng lực cạnh tranh tăng, các thủ tục đã được đơn giản hóa nhiều nhưng thủ tục hành chính vẫn rườm rà, mất nhiều công đoạn, nhiều hồ sơ giấy tờ nên chưa thực sự thuận tiện cho DN. Đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, họ rất sợ khi phải thực hiện các quy trình thủ tục hành chính ở Việt Nam.
Tiếp theo, Hà Nội cần phải có những chiến lược trong công tác quy hoạch sử dụng đất theo mục tiêu dài hạn. Khu nào định hướng phát triển công nghiệp, khu nào cho phát triển nhà ở, trung tâm thương mại, khu nào cho phát triển dịch vụ...
Đã có quy hoạch rồi thì cần bám sát để thực hiện. Sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế là cần thiết, nhưng đối với các dự án đã và đang triển khai lại gây ra những phiền toái, khó khăn cho nhà đầu tư. Do đó, nếu có thay đổi quy hoạch, TP cần phải có biện pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!