Đó là thành quả được làm nên bởi bàn tay, khối óc và trái tim của hàng triệu con người đang hằng ngày gắn bó với mảnh đất “Rồng bay”, ở “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Chào đón năm mới 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức; phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thời cơ; huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị trí “Trái tim của cả nước”.
Những kết quả đáng tự hào
Năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nỗ lực lớn, hoàn thành 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Kết quả này không chỉ cho thấy sự phát triển toàn diện mà còn cho thấy những triển vọng của thành phố. Năng lực của kinh tế Thủ đô tiếp tục được khẳng định với mức tăng trưởng 7,3% (theo cách tính mới), thu ngân sách đạt gần 208.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2016. Hà Nội tiếp tục cho thấy sức hút về vốn, thể hiện uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt gần 3,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt hơn 308.500 tỷ đồng (tăng 11%). Trong bối cảnh phân bổ vốn ngân sách ngày càng bị co lại thì đây là điều có ý nghĩa rất lớn, là thành quả của nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư của thành phố thời gian qua.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả tốt và đã thêm được 2 huyện và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Thành phố tiếp tục có nhiều tiến bộ về lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là về y tế, giáo dục. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành phố đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Nổi bật, thành phố đã xây được trên 8.100 nhà cho người có công. Đặc biệt, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thành phố đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,69%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hiệu quả các hoạt động đối ngoại được nâng cao. Năm 2017 còn chứng kiến sự phát triển ấn tượng về du lịch Hà Nội với lượng khách quốc tế tăng vọt, đạt hơn 3,5 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2016.
Xác định “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; chủ động đổi mới, sáng tạo trên các lĩnh vực công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, đào tạo - bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển gắn với đi đầu thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đặc biệt, với việc lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở để triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau 5 tháng triển khai thực hiện, thành phố đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị, đã giải quyết hơn 200 vụ việc phức tạp. Việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU đã góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn, bình yên, xứng đáng là “Thành phố Vì hòa bình”, “Trái tim của cả nước”.
Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân; cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, tăng sự tiện lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Thành phố cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ với 100 xã, phường, thị trấn. Sự thay đổi này càng được khẳng định bằng những đánh giá khách quan. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố đã tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính (Pax Index) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc). Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước. Thành phố đã dần xóa bỏ định kiến “Hà Nội không vội được đâu” gắn với sự chậm trễ, trì trệ trong cung cách phục vụ của cơ quan hành chính; thay vào đó là tinh thần, tác phong khẩn trương, nêu cao trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Việc đưa vào thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” trong năm qua càng làm rõ tinh thần, quyết tâm chuyển biến này.
Thành công của năm 2017 đã góp phần củng cố vững chắc kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”; là cơ sở để thành phố triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
Nhìn lại những kết quả đạt được năm 2017 vừa qua càng thêm tự hào về truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Trước những khó khăn, thử thách, Hà Nội vẫn vượt lên bằng ý chí, quyết tâm mạnh mẽ để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng và cả nước. Hào khí Thăng Long xưa hòa cùng hưng khí thời đại Hồ Chí Minh và nỗ lực hiện tại đang tiếp thêm sức mạnh cho Hà Nội tiến lên.
Xung lực mới tạo sức bật phát triển cho Thủ đô
Năm 2018 mở ra có cả cơ hội và thách thức, khó khăn. Đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về “Việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”; là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI và là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm, kiểm tra dây chuyền xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (huyện Hoài Đức). Ảnh: Viết Thành |
Mặc dù đạt kết quả toàn diện trong năm qua, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta cần đổi mới quyết liệt hơn nữa, hành động trách nhiệm cao hơn mới khắc phục được những khó khăn, hạn chế, để Thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò, mới đáp ứng được sự tin tưởng của Trung ương và mong mỏi của người dân. Nhìn về tổng thể, kinh tế Thủ đô vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tiến độ đầu tư và tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của thành phố còn chậm. Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến nghiêm trọng. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế. Kết quả giải quyết các vụ việc phức tạp đạt tỷ lệ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách từ thực tiễn…
Một số nội dung trọng tâm, trọng điểm được thành phố tập trung, quan tâm, các ngành, các cấp đã nỗ lực thực hiện, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Trong đó, mặc dù đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xử lý kỷ luật hơn 60 cán bộ, nhưng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai vẫn diễn biến phức tạp. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh người dân. Hai quy tắc ứng xử chưa thực sự đi vào đời sống, chưa trở thành phong trào rộng khắp. Việc xây dựng nếp văn hóa giao thông, văn hóa người Hà Nội vẫn khó khăn. Vi phạm trật tự đô thị, nhất là vỉa hè, lòng đường vẫn phổ biến, có biểu hiện của tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo”. Thành phố quyết tâm thực hiện chỉ tiêu 100% người dân được dùng nước sạch sinh hoạt, nhưng kết quả thực hiện còn chậm. Mặc dù đã tăng cường các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy, nhưng số vụ cháy, thiệt hại về người do cháy nổ vẫn gia tăng. Số nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn còn nhiều…
Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những khó khăn, bất cập nêu trên. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Nhiệm vụ thành phố đặt ra thường lớn về quy mô, khối lượng và tính chất khó khăn, phức tạp. Để thực hiện, không chỉ đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc, mà còn phải có nhiệt tình, tâm huyết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong năm qua, không ít công việc cho thấy, có tình trạng cán bộ có trách nhiệm chưa hết lòng, hết sức; còn vi phạm các quy định, các nguyên tắc trong thực hiện; chưa kể tình trạng né tránh, đùn đẩy.
Trong hội nghị thành phố bàn về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, chính các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã chỉ ra là có tình trạng làm cho xong trách nhiệm, chứ chưa quyết tâm giải quyết dứt điểm vụ việc. Trường hợp được dư luận nhắc đến nhiều, gây bức xúc là lát đá vỉa hè cũng xuất phát từ nguyên nhân cấp dưới chưa thực hiện đúng chủ trương, quy định của thành phố. Hay như xảy ra việc cán bộ tiếp dân có biểu hiện nhũng nhiễu gây bức xúc trong dư luận, làm xấu hình ảnh cán bộ, công chức Thủ đô là vì cấp ủy, chính quyền địa phương đã không bố trí đúng cán bộ chất lượng làm công việc quan trọng là tiếp xúc trực tiếp với người dân… Đó là những bài học mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố khắc phục trong năm 2018.
Năm 2018, thành phố phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3-7,8%. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 10,5 đến 11%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 7,5 đến 8%. Tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt xấp xỉ 100%, ở nông thôn là 55%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85,3%. Tăng thêm 26 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, ở khu vực nông thôn đạt 88%. Tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia...
Thành phố đã thống nhất lựa chọn chủ đề năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Để thực hiện hiệu quả chủ đề này, thành phố xác định phải tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 55-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII)… Trong quá trình đó, thành phố sẽ chú trọng nâng cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, thành phố sẽ quyết tâm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong toàn hệ thống chính trị.
Cùng với hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những yêu cầu cấp bách đang đặt ra, trong năm mới 2018, thành phố sẽ phải khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội. Thời cơ để tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, vào cuộc trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân Thủ đô.
Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước. Vị trí, vai trò đặc biệt đó đặt ra cho cán bộ và nhân dân Thủ đô những yêu cầu, nhiệm vụ rất riêng. “Làm sao cho xứng đáng là cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, làm sao cho xứng đáng là người Thủ đô?” là câu hỏi mà Trung ương và đồng bào cả nước đặt ra cho chúng ta. Trả lời câu hỏi này vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm thiêng liêng của mỗi cán bộ và mỗi người dân Hà Nội. Cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân. Cấp ủy, chính quyền phải nghe được, thấu hiểu được và giải quyết được những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhất là những băn khoăn, lo lắng, bức xúc. Và đặc biệt, người dân Thủ đô, những đại diện của văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ quyết định giá trị văn hiến ngàn năm sẽ được bồi đắp, kết tinh và lan tỏa ra sao. Mỗi hành động, việc làm của người Hà Nội sẽ quyết định hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế và đồng bào cả nước. Nếu mỗi người đều tăng thêm một phần ý thức, quan tâm, chăm chút cho nếp ứng xử văn hóa từ trong gia đình đến nơi công cộng, thực hiện cho tốt hai quy tắc ứng xử thành phố đã ban hành thì văn hóa Thăng Long -Hà Nội sẽ tiếp tục tỏa sáng, trở thành xung lực mới cho Thủ đô phát triển.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2018, với niềm tin, khí thế và sức bật mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm, kết quả đạt được của năm 2017 và những năm qua để quyết tâm hành động, tạo thêm những bước chuyển mới, đạt được kết quả toàn diện, tích cực hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của Trung ương và nhân dân cả nước.