Nguy cơ tử vong rất cao
Anh D.V.H. (35 tuổi, ở Vĩnh Phúc) nhập viện Bệnh viện Medlatec ngay trong đêm khi xuất hiện cơn đau đầu dữ dội quá sức chịu đựng và biểu hiện yếu nửa người phải. Qua thăm khám, bệnh nhân cho biết có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu bia, đồng thời thể trạng béo phì.
Tại thời điểm nhập viện, huyết áp lên tới 200/120 mmHg, bệnh nhân lập tức được cấp cứu để ổn định huyết áp bằng đường tĩnh mạch. Đồng thời, bác sĩ tiến hành chỉ định làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết và giật mình phát hiện anh H. có khối xuất huyết não chèn ép từ kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não.
Ekip hội chẩn nhận định đây là ca bệnh nguy hiểm, cần lập tức tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm để giải phóng khối xuất huyết, nếu không khối này làm tăng áp lực lên các mô xung quanh và gây vỡ mạch não, nguy cơ tử vong rất cao.
Rất may mắn, sau 5 tiếng phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ cắt bỏ thành công khối xuất huyết, bệnh nhân giữ được tính mạng. Đồng thời, sau mổ, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Anh H. cùng gia đình vô cùng bất ngờ bởi trước đó không biết bị tăng huyết áp, do không có bất kỳ triệu chứng nào “gợi ý” bệnh.
ThS.BS Nguyễn Thị Lự - Chuyên khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nhận định về trường hợp này: Tuy bệnh nhân còn khá trẻ nhưng đã bị cao huyết áp, điều này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, thói quen sinh hoạt thiếu điều độ cũng là nguyên nhân quan trọng.
Bác sĩ Lự cho biết thêm: Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Bệnh lý này nếu không được can thiệp trong những giờ đầu, người bệnh có thể rơi vào hôn mê sâu, tàn tật vĩnh viễn hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong.
Bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều “gánh nặng” cho tim và là căn nguyên quan trọng gây ra nhiều biến chứng tim mạch như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ…
Theo hướng dẫn mới nhất từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC), ở mức thông thường, chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là 120/80 mmHg. Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140 mmHg và huyết áp tâm trương > 90 mmHg, người bệnh được xác định mắc tăng huyết áp.
Chia sẻ thêm về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, bác sĩ Lự cho biết: Hiện nay tại Việt Nam, trung bình 5 người trưởng thành thì 1 người mắc tăng huyết áp. Hầu hết những người mắc tăng huyết áp đều không biết mình bị bệnh bởi toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm, triệu chứng mờ nhạt. Điều này đúng như tên gọi các nhà khoa học đã đặt tên cho căn bệnh này là “kẻ giết người thầm lặng”.
Bác sĩ Lự thông tin thêm: Nhiều người vẫn quan niệm cao huyết áp là nỗi ám ảnh sức khỏe của người cao tuổi, nhưng thực tế căn bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nhiều người trẻ mắc bệnh bởi lối sống thiếu khoa học như lười vận động, hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, nạp nhiều thực phẩm chứa chất béo…
Kiểm soát huyết áp hiệu quả
Đưa ra lời khuyên đối với những bệnh nhân tăng huyết áp và người có nguy cơ cao tăng huyết áp, theo bác sĩ Lự, tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, để ngăn ngừa các biến chứng, yếu tố quan trọng hàng đầu là người bệnh phải kiểm soát tốt chỉ số huyết áp.
Bên cạnh tuân thủ thuốc điều trị cao huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát huyết áp bằng cách áp dụng lối sống khoa học là phương pháp “vàng” để đảm bảo sức khỏe tim mạch vững chắc. Một số lời khuyên từ các chuyên gia tim mạch, người dân nên tuân theo như sau:
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, ít chất béo bão hòa, giảm lượng muối, hạn chế tối đa rượu bia;
Tập thể dục đều đặn, vừa sức;
Duy trì cân nặng lý tưởng;
Không hút thuốc lá;
Tránh nhiễm lạnh đột ngột;
Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp với máy đo phù hợp.