Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nạn tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/10, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH cùng sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UBFPA) tổ chức Hội thảo Quốc gia về tảo hôn.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội.

 Nâng cao nhận thức người dân để đẩy lùi nạn tảo hôn

Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, cả nước có 9 tỉnh trên 5% dân số nam 15 - 19 tuổi và 14 tỉnh có trên 5% dân số nữ 15 - 17 tuổi đã từng kết hôn. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Kon Tum.

Tổng cục DS - KHHGĐ cũng vừa khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 44 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Lào Cai, phát hiện 224 cặp kết hôn cận huyết. Trong đó, có 221 cặp là con bác lấy con dì; con chị gái lấy con em trai; cháu lấy dì; chú lấy cháu; cháu lấy cô.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng Cục DS- KHHGĐ phân tích, nạn tảo hôn xảy ra do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu bị ép buộc lấy vợ/chồng sớm, bị xâm hại tình dục. Do tảo hôn, nhiều trẻ mang thai sớm, có thể chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý dẫn đến tình trạng tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15 - 19 tuổi cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành. Hàng trăm đứa khẻ bị thất học, mù chữ, nghèo đói do nợ nần sau đám cưới làm kinh tế gia đình kiệt quệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thay đổi nhận thức là vấn đề mấu chốt. Cùng với đó, về lâu dài cần đầu tư nhiều hơn nữa về kinh tế, giáo dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân.