Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao chất lượng chất vấn: Hỏi đến tận cùng để làm rõ trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tâm lý e ngại, né tránh vấn đề nhạy cảm và thiếu sự "đeo bám", chất vấn đến cùng, chính là điểm yếu trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được lãnh đạo HĐND TP và các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm để tìm lời giải nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

“Hỏi cho biết” vẫn tồn tại

Nhận định về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp trong thời gian qua, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng: Các phiên chất vấn được cử tri quan tâm đặc biệt. Qua chất vấn, nhiều vấn đề được phát hiện, làm rõ và trở thành một phần quan trọng để thúc đẩy các vấn đề bức xúc của địa phương, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND. Tuy nhiên, số đại biểu tham gia chất vấn ít, số câu hỏi chung chung vẫn nhiều, hỏi cho biết, cho có. Nội dung trả lời cũng chưa cụ thể, không rõ trách nhiệm, nguyên nhân gây bức xúc cho đại biểu và cử tri.

Nâng cao chất lượng chất vấn: Hỏi đến tận cùng để làm rõ trách nhiệm - Ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Văn Hải chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XIV. Ảnh: Thanh Hải

Không chỉ hỏi cho biết, hiện tình trạng các đại biểu HĐND hỏi vòng vo và người trả lời cũng vòng vo không rõ vấn đề vẫn xảy ra tại các kỳ họp do tâm lý nể nang, ngại va chạm. Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Trần Văn Khương cho rằng: Một trong những hạn chế hiện nay là tâm lý nể nang, ngại va chạm của một số đại biểu, nên thường "né" những vấn đề nhạy cảm mặc dù đó là vấn đề bức xúc, nổi cộm cần làm rõ. Do đó, người trả lời chất vấn cũng chỉ đưa ra những hứa hẹn chung chung và đôi khi không được triển khai, nhưng kỳ họp sau đại biểu cũng "cho qua".

Đại biểu phải dám “truy vấn” đến cùng

Theo lãnh đạo HĐND các quận, huyện, trước tiên cần thay đổi chính từ cách nhìn nhận về hoạt động chất vấn và trách nhiệm của đại biểu với "quyền" và "nghĩa vụ" dân cử của mình. Có đại biểu cả nhiệm kỳ không thực hiện quyền chất vấn hoặc ngược lại, có chất vấn nhưng nặng về kể lể, không đi thẳng vào vấn đề. Chủ tịch HĐND huyện Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho rằng, để dám hỏi, dám "truy vấn" đến cùng, "đeo bám" nội dung chất vấn qua nhiều kỳ họp nếu chưa được giải quyết dứt điểm, các vị đại biểu dân cử trước hết phải am hiểu vấn đề và có bản lĩnh. Người đại biểu phải có bằng chứng xác thực và sau trả lời chất vấn, phải quan tâm xem những "lời hứa" ấy có thật sự được chú trọng, tăng cường giám sát chặt chẽ, chất vấn mới thực sự có hiệu quả.

Kiên trì tái chất vấn

Nhằm nâng cao chất lượng chất vấn tại các kỳ họp, lãnh đạo HĐND quận Tây Hồ đề nghị phải quan tâm tới hậu chất vấn để những "lời hứa" phải thật sự được thực hiện. Cùng với đó, việc chọn trúng nội dung nóng, bức xúc sẽ góp phần nâng cao chất lượng chất vấn. Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mứt nêu thực tế: Những năm trước, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện chỉ đạt khoảng 10%. Sau đó, qua 3, 4 kỳ họp, nội dung này liên tục được đưa ra chất vấn, thúc đẩy trách nhiệm nên công tác này đạt được 60%. Đây chính là bài học cho việc chọn trúng vấn đề, chỉ đúng người, đúng việc.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã quan tâm và có chuẩn bị thật kỹ trước mỗi phiên chất vấn. Các đại biểu phải "hỏi đúng địa chỉ" và khuyến khích sự tham gia trả lời của Thường trực UBND theo hướng rõ, ngắn gọn và có giải pháp cụ thể, tránh chung chung, đùn đẩy. Cùng với đó là tăng cường hoạt động giám sát thực hiện các nội dung, lời hứa trong chất vấn và có báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp sau. Đặc biệt, những vấn đề cần thiết nên thực hiện "tái chất vấn" để rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm.