Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tọa đàm. Báo cáo đề dẫn và các tham luận tại buổi tọa đàm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong việc truyền bá hệ tư tưởng và đường lối chiến lược, sách lược trong quần chúng, xây dựng và củng cố tình cảm, nhân cách, thế giới quan, niềm tin đồng thời tập hợp và cổ vũ quần chúng hành động theo thế giới quan và niềm tin đó. Các tham luận khẳng định công tác tuyên truyền đã có những đóng góp tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền đã thể hiện vai trò quan trọng, vị trí tiên phong trong việc cung cấp và định hướng thông tin trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình trong nước và quốc tế, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền hiện nay vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Nội dung tuyên truyền nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phương thức tuyên truyền còn lạc hậu, sức thuyết phục chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, Internet. Năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa cao. Công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng còn thụ động, thiếu sắc bén, thiếu thuyết phục. Tuyên truyền điển hình, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt chưa đủ sức mạnh lôi cuốn, cổ vũ quần chúng. Các tham luận nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, cách thức theo hướng chủ động kịp thời hơn, nhạy bén, sâu sắc hơn, toàn diện, hiệu quả hơn. Từ thực tiễn công tác, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp; việc triển khai công tác tuyên truyền ở các địa bàn, lĩnh vực, đối tượng khác nhau... Các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nội hàm của phương thức công tác tuyên truyền để xác định rõ những nội dung, công việc cần đổi mới. Trên cơ sở phân tích nêu lên những mặt được, những nhược điểm của công tác tuyên truyền, các đại biểu đề xuất những giải pháp đổi mới phương thức công tác tuyên truyền trong tình hình hiện nay, chú trọng làm rõ những việc cần làm ngay, những giải pháp căn cơ mang tính lâu dài để việc đổi mới phương thức công tác tuyên truyền mang tính khả thi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu đề nghị cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp hiện đại trong công tác tuyên truyền.