Kinhtedothi - Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào cuối giờ sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở nắm chắc, phân tích và dự báo đúng diễn biến tình hình, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2016. Các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai thực hiện sâu sát, cụ thể.
Đến năm 2020 hạn chế phương tiện cá nhân
Sáng 29/12, trả lời kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Bộ đã phân quyền cho địa phương lập đề án hạn chế xe cá nhân và thực hiện có lộ trình, tùy từng loại phương tiện, tuyến đường, kết hợp với tăng tần suất vận tải hành khách công cộng ở các TP lớn.
“Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ từ năm 2020. Hà Nội và TP Hồ Chí
Minh chủ động lập phương án trình HĐND, Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thêm. Trước đó, trong ngày làm việc thứ nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất cho phép TP được thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án tổng thể giảm ùn tắc tới 2020 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua vào đầu tháng 12.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã điểm danh các dự án cao tốc cần hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ về vốn, do việc xã hội hóa các dự án giao thông chỉ giúp chủ động được 15% nguồn vốn.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, nếu các danh mục dự án giao thông đã được thông qua tại Quốc hội, tuân thủ đúng nguyên tắc, đã xây dựng dự án thì cần thẩm định và đầu tư luôn, không nên để ách tắc ở chỗ không đáng. Thủ tướng cũng yêu cầu việc thẩm định các dự án cần làm kỹ lưỡng và phải có chỉ định tiết kiệm bao nhiêu phần trăm tổng vốn đầu tư, thay vì đấu thầu giá rẻ nhưng thực hiện kéo dài, giảm chất lượng công trình.
Linh hoạt trong điều hành
Điểm lại năm 2015 cũng như toàn bộ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 với nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta thực hiện nhiệm vụ 2016 trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, cạnh tranh trong kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới diễn biến khó lường, cộng thêm tình hình phức tạp tại Biển Đông. Do vậy, tinh thần chung là Chính phủ, chính quyền các cấp phải nỗ lực, ra sức phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, hạn chế, khắc phục những khó khăn thách thức. Chính phủ cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó quan trọng là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, nguyện vọng của các DN là ngân hàng xem xét có khả năng giảm lãi suất tiếp được không? Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải thích: Lạm phát năm vừa qua rất thấp, nhưng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài, nhất là giá dầu và giá nhiều mặt hàng trên thế giới giảm… Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao, trong khi phải dành nguồn vốn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ, áp lực lên lãi suất rất lớn. “Từ đó, thấy rằng dư địa để tiếp tục giảm lãi suất là rất khó. Nếu giảm có thể đạt trong ngắn hạn nhưng sẽ phá vỡ ổn định lâu dài” - Thống đốc khẳng định và cho biết, về mặt bằng lãi suất cố gắng duy trì ổn định như năm 2015 vừa qua. Nếu có thể, cố gắng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 0,3 - 0,5%.
Liên quan đến ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ước tính, năm 2015, tổng thu ngân sách sẽ đạt khoảng 973.000 - 976.000 tỷ đồng, tăng hơn 60.000 tỷ đồng so với số dự toán đầu năm, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay, tổng số tiền nợ thuế đã được cơ quan chức năng thu hồi khoảng 38.000/76.000 tỷ đồng nợ đọng. Trước thực trạng giá dầu thế giới giảm mạnh (còn khoảng 35 - 36 USD/thùng), ngành tài chính sẽ phải tính thêm phương án giá dầu xuống thấp hơn, có thể là 30 USD để điều hành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, bên cạnh các nhóm giải pháp đã nêu trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ cần phải kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, phải tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, giảm nghèo… “Xét cho cùng chúng ta phát triển cũng vì đời sống của người dân. Đó là mục tiêu phấn đấu cao nhất” - Thủ tướng Chính phủ nhận mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TTXVN
|
Hết quý I/2016, hoàn thành các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng Chiều 29/12, kết luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các bộ, ngành trong công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, đồng thời nêu rõ: "Muốn quản lý theo pháp luật phải xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách. Nhiệm vụ này đã được quan tâm và hoàn thành được một khối lượng lớn công việc trong thời gian qua với chất lượng ngày càng được nâng lên, các văn bản nợ đọng giảm đi". Thủ tướng yêu cầu, đến hết quý I/2016, các bộ, ngành hoàn thành các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trong năm 2015, cũng như văn bản hướng dẫn thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. (Hải Lan) |