Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư;...là những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

 
Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Tập trung sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết, cần sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Bên cạnh đó, điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành, lĩnh vực ưu tiên với theo vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút ĐTNN; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp.

Đồng thời, rà soát, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ.

Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn, cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến...

Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư

Một trong các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới là điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư.

Cụ thể, khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về ĐTNN nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp giấy chứng nhân đầu tư (GCNĐT) nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương, trong đó, bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án có vốn ĐTNN đã được cấp, điều chỉnh GCNĐT. Kiên quyết đình chỉ đối với những dự án đã được cấp hoặc điều chỉnh GCNĐT mà không phù hợp với quy hoạch, quy trình, thủ tục…

Đối với dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp GCNĐT cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.

Đối với các dự án ĐTNN khai thác khoáng sản, việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao bằng việc sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại và hệ thống xử lý môi trường phù hợp để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả. Đối với một số địa bàn, khu vực có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc phòng, cần lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc phòng...

Các bộ, ngành cần quy định chi tiết, rõ ràng các tiêu chí, điều kiện đầu tư trong lĩnh vực phụ trách làm căn cứ cho việc cấp phép và quản lý sau cấp phép (suất đầu tư, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, môi trường...).

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư

Cũng theo Nghị quyết, cần đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, hằng năm và từng thời kỳ, trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và đặc thù, lợi thế của từng vùng, địa phương cũng như xu hướng của dòng vốn ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, ban hành tiêu chí hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư (XTĐT). Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tiêu chí do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành để xây dựng kế hoạch XTĐT theo từng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, thống nhất, điều phối chung (về nội dung, thời gian, địa điểm...) và hướng dẫn phối hợp; khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường XTĐT đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia; đồng thời, chú trọng XTĐT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Khi tiến hành XTĐT ở nước ngoài, trong những trường hợp cần thiết (như: địa bàn XTĐT có nhiều nhà ĐTNN quan tâm, đối tác quan trọng, quy mô hoạt động XTĐT lớn hoặc có nhiều địa phương cùng đi XTĐT ở nước ngoài vào cùng thời gian và địa điểm...) thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Đoàn hoặc tham gia để hỗ trợ và trình bày về các chính sách chung, còn các bộ, ngành, địa phương sẽ trình bày về lợi thế, đặc thù, tiềm năng và sự hỗ trợ của ngành, địa phương mình.

Coi trọng XTĐT tại chỗ, theo đó, cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp GCNĐT để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi, có hiệu quả; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp ĐTNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phải coi việc XTĐT tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Việt Nam để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư

Nghị quyết nêu rõ, định kỳ hằng quý phải rà soát, phân loại các dự án ĐTNN để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn.

Bên cạnh đó, các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án ĐTNN trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án ĐTNN của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép, tập trung vào các nội dung: Việc tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình tiếp nhận Hồ sơ, thẩm tra, cấp phép; việc quy định các ưu đãi đối với các dự án; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau cấp phép,...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp GCNĐT tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án ĐTNN, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: Có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác... Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể kiến nghị cơ quan cấp GCNĐT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật,... hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan cấp GCNĐT.

 
Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến tháng 6/2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ.

ĐTNN đóng góp ngân sách (khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm (trên 2 triệu lao động trực tiếp, từ 3-4 triệu lao động gián tiếp)..