3 yếu tố tác động
Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng (20.828VND/USD) được giữ trong một thời gian khá dài (18 tháng); gần đây đã được điều chỉnh tăng 1% (lên 21.036 VND/USD). Tuy nhiên, chưa thể yên tâm với tỷ giá, bởi hiện có 3 yếu tố tác động.
Tốc độ tăng/giảm giá USD từ năm 2008 đến nay
Yếu tố thứ nhất là trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu trong năm 2012 và một vài tháng đầu năm 2013 sang nhập siêu từ 3-4 tháng nay, ước 6 tháng khoảng 1,4 tỷ USD.
Yếu tố thứ hai là một số đối tác thương mại của Việt Nam giảm giá đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, hoặc xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam sang một số đối tác lớn bị sụt giảm trong khi nhập khẩu từ một số thị trường lại tăng khá cao
Yếu tố thứ ba là chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và giá vàng trên thế giới vẫn còn khá lớn. Chênh lệch này sẽ giảm xuống sau 30/6, khi các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng, nhưng vẫn còn lớn, tạo sức ép đối với tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên (hiện vẫn vượt trần), kéo tỷ giá thị trường chính thức lên theo.
Điều này cho thấy yếu tố lòng tin đối với đồng nội tệ chưa thật bền vững khi tình trạng vàng hóa, đô la hóa cao và kéo dài trong nhiều năm, mới bước đầu được đẩy lùi, và vẫn phải tiếp tục củng cố và nâng cao.
Nhiều giải pháp giữ tỷ giá
Trước hết là kiềm chế lạm phát, bởi lạm phát là sự giảm giá của đồng tiền quốc gia. Nếu nhìn về tổng số thì lạm phát thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng lạm phát cơ bản, lạm phát lõi thì vẫn còn ở mức cao. CPI còn đứng trước những yếu tố tạo sức ép, do còn phải thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng.
Nếu cộng dồn trong nhiều năm, thì mức lạm phát đã quá cao (tháng 6/2013 so với tháng 12/2003 thì CPI cao gấp 2,63 lần, bình quân 1 năm tăng 10,7%; 100 đồng cuối năm 2003 đến cuối tháng 6/2013 chỉ có sức mua bằng 38 đồng).
Việc cung ứng ngoại tệ cho các đối tượng cần được rà soát thận trọng để tránh yếu tố đầu cơ, tránh sử dụng vào việc nhập khẩu những mặt hàng cần kiềm chế, kiểm soát.
Kiểm soát các cửa hàng mua bán ngoại tệ cần chặt chẽ, có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương; gắn chặt trách nhiệm của các ngân hàng với các cửa hàng đại lý, nếu đại lý có vi phạm…
Cần giữ chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và ngoại tệ để tạo sự hấp dẫn của VND. Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi phương thức gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang mua, bán đứt đoạn.
Phương thức điều hành tỷ giá cần tránh “giật cục”, nên sử dụng phương thức “trườn bò” để tránh đầu cơ, lạm dụng.
Khuyến khích thu hút mạnh hơn lượng ngoại tệ từ các nguồn như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 6 tháng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ; đây là tín hiệu để cả năm có thể vượt kỷ lục cũ của năm 2008 (11,5 tỷ USD). Nguồn vốn ODA giải ngân đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10% và cũng là tín hiệu khả quan để đạt đỉnh cao mới. Vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) cũng đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Lượng kiều hối có thể tiếp tục duy trì với mức đỉnh 10 tỷ USD của năm trước. Lượng ngoại tệ thu được từ chi tiêu của khách quốc tế 6 tháng đã tăng lên, khả năng cả năm sẽ vượt đỉnh điểm 6,83 tỷ USD của năm 2012… Đây là những yếu tố để có thể yên tâm hơn về sự ổn định của tỷ giá.