Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thông báo nêu rõ, triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, đã tiến hành tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu; cắt giảm thời gian kiểm tra đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; xây dựng, ban hành một số Nghị định theo hướng tập trung khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng...

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiếp tục hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động sở hữu trí tuệ của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác; tiếp nhận và cơ bản xử lý một khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ; góp phần tích cực trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó các cam kết về sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, các hoạt động nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các lĩnh vực trên còn một số tồn tại và hạn chế.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Cụ thể, trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, về thể chế phải rà soát và tập trung sửa ngay những quy định bất cập, gây bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp trong các nghị định và thông tư. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nếu chưa kịp sửa nghị định thì trình Chính phủ tại phiên họp để ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện sớm. Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, thực hiện theo lộ trình và mang tính tổng thể, lâu dài bảo đảm phù hợp với cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.

Về danh mục hàng hóa nhập khẩu nhóm 2, Phó Thủ tướng yêu cầu cần rà soát, sửa đổi bảo đảm nguyên tắc quản lý của nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, đồng thời tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ làm việc với các Bộ về rà soát hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 do các Bộ ban hành để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/10/2016. Về tỷ lệ kiểm tra, cần giảm xuống ngang mức thế giới; đối với hàng hóa xuất khẩu, phấn đấu thấp hơn mức thế giới.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; phấn đấu rút ngắn thời hạn xử lý và chỉ đứng sau Singapore trong các nước Đông Nam Á; chú trọng đào tạo nhân lực, tăng số lượng thẩm định viên; cải tiến, đổi mới quy trình thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định đơn; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Về đổi mới sáng tạo, cần công khai, minh bạch các mô hình, kết quả đổi mới sáng tạo tương tự như trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; đổi mới cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ./.