Nâng cao năng suất lao động: Bắt đầu từ đào tạo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), ngoài vấn đề thiết bị công nghệ, quản trị DN thì người lao động (NLĐ) là yếu tố đóng vai trò quyết định. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, NLĐ không chỉ được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỷ luật lao động mà còn cần được rèn luyện cả về đạo đức.

Nhiều yếu tố kéo thấp năng suất lao động
Hiện nay, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/11 của Singapore, 1/6 của Malaysia và 1/3 Thái Lan. Theo ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, DN muốn nâng cao NSLĐ thì có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH - HĐH) chuyển từ lao động nông nghiệp sang thương mại dịch vụ. Máy móc thiết bị là yếu tố quan trọng, nhưng phải cộng thêm cách tổ chức quản lý khoa học mới mang lại hiệu quả và giảm bớt số công nhân. Thứ nữa, cần tăng cường kỹ năng, năng lực của NLĐ.
Nhiều năm gắn bó với lực lượng lao động làm việc trong các công ty, nhà máy, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, NSLĐ của công nhân Việt Nam không thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
 Công nhân làm việc trong một nhà máy tại quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
“Một kỹ sư lắp ráp của Honda Việt Nam và Honda Nhật Bản có năng suất làm việc không khác nhau nhiều. Nhưng, có thể giá trị hàng hóa của kỹ sư Nhật lắp ráp là sản phẩm cao cấp. Hay cùng là công nhân may áo mỗi giờ được 10 cái nhưng giá trị sản phẩm của Công ty May 10 cao còn DN kia thấp” – ông Tiến phân tích và nhận định NSLĐ phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa và ngành.
Trong chuỗi giá trị hình chữ U, có phần đầu là ý tưởng thiết kế, phần hai sản xuất gia công, phần ba tiếp thị, bán hàng thì công nhân Việt đang ở đáy chữ U, tức là làm công việc nặng nhất nhưng tiền công thấp nhất. Vì thế, theo các chuyên gia, DN Việt Nam nên chuyển sang hai đầu chữ U (đầu vào và ra) để có chuỗi giá trị cao, góp phần tăng NSLĐ.

Bên cạnh đó, năng lực về quản trị sản xuất và nhân lực cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia chỉ ra. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, bài toán nâng cao NSLĐ không chỉ giới hạn ở tăng chất lượng của lao động về trình độ, kỹ năng tay nghề mà cả hệ thống quản trị. Để cải thiện tình hình, lao động Việt Nam phải khắc phục trên nhiều mặt, chứ không chỉ đơn thuần về đào tạo.
Trải nghiệm môi trường thực tế
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài vấn đề thiết bị công nghệ, NLĐ đóng vai trò quyết định trong việc tăng NSLĐ. Chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao NSLĐ của Nhật Bản, GS.TS Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ cho các DN và nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường cao đẳng (CĐ) và ĐH nên đào tạo thực hành nhiều hơn đơn thuần lý thuyết.
Thực tế hiện nay, hoạt động này đã và đang được nhiều trường CĐ ở trong nước thực hiện với thiết kế thời lượng thực hành chiếm tới 60 – 70%. “Ngoài những nội dung cơ bản, trường nghề phải luôn cập nhật thông tin mới để hoàn thiện chương trình sát với nhu cầu xã hội cũng như công nghệ.
Bên cạnh đó, phải quan tâm giáo dục kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp để NLĐ có trách nhiệm với công việc. Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm là thể lực của NLĐ cần được cải thiện bằng cách tăng cường chất dinh dưỡng và luyện tập mới làm việc đạt hiệu suất cao” – nguyên Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh chỉ ra.
Từ quan điểm ba yếu tố ảnh hưởng đến NSLĐ (trình độ quản trị, mức độ hiện đại hóa, ý thức NLĐ), PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, các trường CĐ phải coi trọng thực hành để người học ra trường có tay nghề vững vàng. Trong câu chuyện nhà trường gắn với DN để đào tạo nhân lực chất lượng, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu rõ, thực hành chỉ là một giải pháp nhưng trải nghiệm mới là quan trọng, đặc biệt là sinh viên các trường nghề.
Các DN tham khảo thiết bị công nghệ 4.0 trong sản xuất công nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang bàn giải pháp đưa sinh viên trải nghiệm thực tế tại DN. Sinh viên được trải nghiệm những vấn đề thực tiễn trong sản xuất và cấp độ cao hơn là tham gia giải quyết các vấn đề của DN đang gặp phải. Đây là việc làm khó khăn vì DN mất thêm thời gian, chi phí. Do đó, muốn nhận được cái gật đầu của DN, các trường phải chủ động thuyết phục cho đối tác hiểu quá trình này là bước đệm quan trọng để tuyển được nhân lực chất lượng cao.
Từ góc độ trong nhà trường có nhà máy, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội nhấn mạnh đến sản phẩm cho sinh viên thực hành cần được lấy ngay từ thị trường, chứ không phải đợi đến quá trình đi thực tập ở DN. Ở khía cạnh khác, ông Quảng nhấn mạnh đến yếu tố tăng cường đào tạo ngoại ngữ. Bởi khi có ngôn ngữ, NLĐ sẽ hiểu cách sử dụng máy móc công nghệ tiên tiến được nhập về. Thực tế, có nhiều trường hợp DN trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng công nhân không đủ trình độ để sử dụng hoặc không thành thạo thì không phát huy hết tác dụng.

"Ở các nước, việc phát triển các DN vừa và nhỏ trên cơ sở đã có những tập đoàn lớn tầm cỡ toàn cầu như Hàn Quốc có Hyundai, Samsung; Nhật Bản có Toshiba, Hitachi… Những DN vừa và nhỏ là vệ tinh để thực hiện đơn đặt hàng của các nhãn lớn.

Còn Việt Nam, việc có DN vừa và nhỏ là do chưa phát triển được DN lớn. Bây giờ, cách tự nhiên nhất là thành lập các tập đoàn tư nhân giống như Vingroup. Cả nước chỉ cần 5 – 7 tập đoàn đi sâu vào lĩnh vực công nghệ cao như ô tô, điện thoại di động, robot, các hệ thống thông minh… sẽ là cơ hội của các DN vừa và nhỏ làm theo đơn hàng." - PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội